Viết lách như một hành trình tự soi chiếu bản thân thế nên người ta hay nói “bạn không thể viết hơn mức bạn sống được”. Nghĩa là bạn tiếp nhận và hấp thụ điều gì, tất cả sẽ là nguồn cơn để bạn khơi thông năng lực viết lách. Thế nên hôm nay mình viết về chủ đề “đi tìm chất liệu cho người viết” nhằm chia sẻ đến bạn một số cách mình thường làm.
Đọc những cuốn sách giá trị tạo thêm chất liệu người viết
Giá trị của việc đọc sách vẫn luôn được khẳng định đi khẳng định lại, ở đây mình không bàn nhiều nữa. Chỉ là, với một người viết, làm thế nào để lựa chọn được cuốn sách phù hợp, thậm chí còn làm tăng linh cảm cho bản thân?
- Dòng sách yêu thích: chọn dòng nào, thích dòng nào gần như phụ thuộc hoàn toàn vào guu đọc sách của bạn, có người thích sách tâm linh, có người thích sách self-help, có người thích nghiền ngẫm triết học. Gì cũng được, không có khuôn mẫu bạn ạ. Và thường thì việc lựa chọn dòng sách nào sẽ đi cùng với sự trưởng thành về mặt tâm thức của mỗi người. Đừng vì thấy người anh/ người chị nào đó đọc sách tiểu sử, hồi ký mà ép bản thân phải làm theo, bạn sẽ không theo nỗi đâu, không theo được thì sẽ bỏ ngang cuốn sách thôi sớm. Đến một thời điểm nhất định, tự nhiên trên kệ sách của bạn sẽ xuất hiện những đầu sách bạn không ngờ được. Như mình thì mình thích đọc sách của bác Nguyên Phong, đối với mình đó là những cuốn sách rọi sáng tâm hồn, giúp mình “ngộ” và tìm được đường đi đúng. Như có bài viết mình nói về cuốn sách gối đầu giường: “Hành trình về phương Đông”.
- Nhu cầu thực tế từng thời điểm: tuỳ vào tính chất công việc, người viết cho doanh nghiệp hay phục vụ các mục tiêu về kinh doanh cho khách hàng thường có xu hướng đọc sách chuyên ngành – non-fiction; người viết sáng tác thì ưu tiên đọc các tác phẩm văn học nghệ thuật và sách fiction.Ở những thời điểm khác nhau, yêu cầu công việc khác nhau, bạn buộc lòng cần lựa chọn những đầu sách tham khảo phù hợp, hỗ trợ cho việc viết. Hoặc là cung cấp số liệu dẫn chứng, hoặc là củng cố niềm tin vào luận điểm bạn đang có. Một mẹo nhỏ mình thường làm trước khi quyết định mua sách thuộc mục này là đọc thật kĩ phần review, lời tựa, mục lục hay nếu có bản đọc thử online thì nên tận dụng. Đều này sẽ giúp bạn scan nhanh những nội dung mà cuốn sách bao hàm, có đúng với mục đích tìm kiếm và dẫn chứng bạn đang cần hay không, để tránh tốn thời gian và tiền bạc mà không dùng triệt để.
- Tác giả sách có cùng hệ giá trị, kiểu cùng “vibe”: tại sao phải như vậy? Vì sẽ giúp cho những điều mình đọc được từ sách của họ nhẹ nhàng thẩm thấu, lan toả vào ngóc ngách tâm hồn mình, không gắng gượng để phải nhớ. Thi thoảng mang ra nghiền ngẫm lại phát hiện được thêm ý hay hoặc câu trích dẫn đi vào lòng người. Như cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của bác Haruki Murakami mình chỉ mới đọc đầu năm nay, nhưng đã đọc đi đọc lại mấy lần, cũng là nguồn cảm hứng của bài viết Công việc viết lách như đạp xe đạp địa hình hôm 8/8.
Gặp những người thú vị
Là người hướng nội đặc trưng, mình dễ bị rút cạn sinh lực nếu phải đến nơi có quá nhiều người hoặc phải giao tiếp với nhiều đối tượng. Mình cũng không dành thời gian để chat chít chuyện phím với những mối quan hệ xã giao.
Từ thời sinh viên đi hội thảo các kiểu, thấy các bạn hay tụm lại networking xôm tụ hoặc bu quanh diễn giả xin name card, mình hay tự dằn vặt bản thân vì sao không làm vậy để tìm mối quan hệ tốt, để có thể liên hệ khi cần. Dù dằn vặt xong thì mình cũng không làm được 🙂 Sau này mình mới hiểu “cơ địa” không cho phép mình cố làm thân với nhiều người hay kết thật nhiều bạn.
Ba năm trở lại đây mình càng thấy rõ bản thân chỉ muốn dành thời gian cho những câu chuyện đủ sâu kiểu deep-talk, những buổi nói chuyện mà khi kết thúc sẽ có vài ý tưởng hay ho loé lên hoặc giúp người đối diện giải quyết được vấn đề nào đó. Đối với mình, việc nuôi dưỡng các mối quan hệ cần dụng tâm, mà mình không sẵn lòng và không đủ sức cho tất cả.
Vậy nên, nếu một ai đó hoặc nhóm bạn nào đó mình chủ động hẹn hoặc rủ mình hưởng ứng liền, nghĩa là mình rất “mê” họ và sẵn lòng dành thời gian cho họ. Còn lại thì xin phép trao đổi qua online với khung giờ cố định và giới hạn ạ.
Đến nay, sự lựa chọn này mang đến cho mình nhiều hơn là mất, bằng chứng là có người bạn My thấy như “idea person”, bởi mỗi lần gặp anh là mình lại có chất liệu để viết một chủ đề mới mẻ, có một vài “aha moment” khi nghe một điều gì đó hay ho từ anh.
Ích lợi của việc đi là để điều chỉnh trí tưởng tượng với thực tế, và thay vì ngồi hình dung ra mọi chuyện, cứ đi để xem nó thực sự thế nào. Và có thêm linh cảm để đặt bút viết xuống.
My Dương.
Photo by anh Bánh Bao
Đến những nơi giúp mở mang tầm mắt, tạo thêm chất liệu viết
Dù tự nhận bản thân là “trạch nữ” – những cô gái chỉ luôn thích ở trong nhà, lẩn trốn mọi hoạt động bên ngoài, nhưng mình không hề anti-social. Mình chỉ selectively social, nghĩa là luôn có sự chọn lọc và có lý do rõ ràng cho mỗi quyết định mình đưa ra, mỗi người mình gặp và mỗi nơi mình đến.
Những sự kiện mình chọn đến để trải nghiệm và tìm hiểu cũng không ngoại lệ.
Một năm qua mình may mắn được làm ở Sun Life lúc CEO mới nhận chức và có nhiều ý tưởng mới lạ, đưa triển lãm – văn hóa – nghệ thuật vào phổ cập trong đời sống số đông người trẻ. Mình đã từng cảm thán không ngưng về sự kiện Thơ thông qua bài viết Còn hôm nay, Thơ còn mãi mãi. Thì lần này chủ đề là Social Fabric – Một vải nghìn vóc, phác hoạ lại hành trình phát triển của denim, đặc biệt chú trọng vào dòng chảy của thời trang và văn hoá Vintage Americana.
Không chỉ thế, mình lại được biết một cộng đồng như Hidden-archive mà ở đó các bạn kết nối với những nhà sưu tầm đồ vintage ở trong nước lẫn ở nước ngoài để lựa chọn những món đồ được trưng bày, đấu giá và chia sẻ kiến thức với nhau rất sôi nổi.
Thông qua quá trình tiếp xúc ở sự kiện, tìm kiếm thông tin, dẫn chứng để viết bài cho chính xác… mình lại tự mở ra cho bản thân một chủ đề mới, chưa chạm bao giờ. Mà thú thật thì, nếu không bước chân đến những nơi nhiều tinh thần nghệ thuật này thì mình làm gì có điểm tiếp xúc nào, chắc cả đời cũng không biết đến những thứ hay ho thế này đang tồn tại. Vậy thì thiếu xót biết bao, đáng tiếc biết bao.
Dành thời gian cho chính mình, cách hữu hiệu để tăng chất liệu người viết
Việc người viết dành thời gian cho chính mình luôn là điều cần được chú trọng ưu tiên. Trước khi muốn tạo ra những sản phẩm viết tốt, những nội dung nhiều giá trị cho khách hàng, bản thân các bạn phải có giá trị trước. Giá trị ở đây có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Những phần trên đã nói nhiều về phần “trí”, thì phần này mình tập trung vào phần “hồn”. Là một người viết, một người sáng tạo, điều đáng sợ nhất chắc là bạn để cho tâm hồn mình khô cằn. Một khi không thấy rung cảm với cái đẹp, không đau lòng với cái khổ hẳn bạn cũng không thể đồng cảm với bất cứ điều gì để viết ra những nội dung đủ sức nặng được.
Thế thì vun bồi nội tâm là điều cần được thực hành mỗi ngày, tuỳ vào thói quen, sở thích và điều kiện, bạn có thể:
- Viết nhật kí hoặc morning pages mỗi sáng, để thanh tẩy những điều chưa vui của hôm trước, để trị liệu cho những tổn thương chỉ muốn mình biết hay để rèn luyện kỉ luật mỗi ngày.
- Dành thời gian viết cho chính mình, chứ không chỉ mỗi viết để được trả tiền. Có thời gian dài đi làm ở doanh nghiệp, bận tối mặt, về nhà chỉ nằm dài ra là hết ngày. Những thời điểm đó là lúc mình thấy mình thất bại nhất, vì là người viết nhưng không thể viết lấy một chữ. Vậy nên dành thời gian viết cho bản thân cũng là cách mình đang tử tế với chính mình.
- Tập yoga, thiền, thực hiện Ho’oponopono… hay bất cứ việc tương tự nào, để nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn, có thời gian yên tĩnh tự chiêm nghiệm và để sống trọn vẹn với giây phút hiện tại, và để tâm mình sáng tỏ hơn.
- Có thể vẽ tranh, chơi đàn… nếu bạn sở hữu những kĩ năng này thì quá tuyệt, đây cũng là những liệu pháp thư giãn, cho bản thân hoà mình vào những điều tốt đẹp.
Chúc cho bạn sớm nhận ra và tìm được cách phù hợp để làm đầy cả phần trí tuệ và tâm hồn, chúc cho nguồn linh cảm viết lách của bạn sẽ dồi dào, sinh sôi không ngừng.
Be Gentle,
Love.