Học trái ngành: Một bài viết dành cho những ai đã và đang học trái ngành.
Một ngày nọ, con lừa già của người nông dân rớt xuống giếng, nó khóc thảm thương mong người chủ tìm cách giải cứu. Nhưng nửa ngày trôi qua, người nông dân vẫn không thể giúp nó. Sau đó, người nông dân nghĩ con lừa cũng đã già, chẳng giúp ông được việc gì, chiếc giếng cũng cần phải lấp đi. Người nông dân hì hục xúc đất lấp giếng. Con lừa tiếp tục kêu khóc, mong tìm chút thương hại từ người chủ cũ và tia hy vọng được sống sót, nhưng người nông dân đứng ở trên, vẫn tiếp tục xúc đất đổ lên người nó.
Nhưng rồi, nó im lặng thôi không khóc nữa. Người nông dân nhìn xuống giếng. Ngạc nhiên chưa?!
Con lừa lay hết bùn đất trên người cho rơi xuống và bước lên trên, mỗi xuỗng đất của người ta hất xuống giếng, con lừa lại rung mình và bước một bước lên trên đống đất.
Chỉ một lúc sau, con lừa đã lên đến miệng giếng và thoát ra ngoài.
Là người học trái ngành – Bạn có nhận ra được bài học từ câu chuyện này không?!
Có lẽ một thông điệp không quá khó để nhìn ra trong câu chuyện này, đó là: Chúng ta hãy dùng chính những thách thức làm bàn đạp, làm nền tảng, để bản thân đứng cao hơn, thay vì khóc lóc, thay vì đầu hàng. Giống như chú lừa kia, chúng ta không lường được những rắc rối đến với mình, cuộc sống có thể hất bùn đất lên chúng ta bất cứ lúc nào, cách duy nhất bước ra khỏi cái giếng của tuyệt vọng, đó là rũ bỏ khó khăn, tiếp tục bước lên. Hãy ngừng than khóc và trách móc, chúng ta chỉ có thể bước lên bằng việc không bao giờ bỏ cuộc khi đứng trước thách thức.
Trong mỗi thách thức, chúng ta đều có hai sự lựa chọn, một là ở yên đó để khó khăn chôn vùi, chúng ta than khóc, chúng ta từ bỏ, và rồi bị nhấn chìm; sự lựa chọn thứ hai, bạn dùng chính những khó khăn đó, làm nền tảng để tôn bạn đứng cao hơn, cho đến khi bạn đạt một tầm cao mới, thì khó khăn đã không còn là khó khăn nữa rồi, tất cả đã trở thành nền tảng cho con người mới của bạn.
“Thứ quyết định các bạn có thể đi xa đến đâu trong cuộc đời này, không phải là những gì xảy đến với bạn, mà là cách bạn đối diện và xử lý chúng.”
Như Zig Ziglar có câu nói nổi tiếng
Tôi cùng ekip nỗ lực tạo ra những bài giảng chất lượng chia sẻ đến học viên, giúp họ tối ưu tích luỹ kiến thức
Có bao giờ muộn để đổi việc hay làm lại từ đầu?!
Công việc giảng dạy cho My cơ hội gặp được nhiều bạn trẻ chăm chỉ và sáng dạ, rất tiềm năng. Ở các em ấy có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có sự nhiệt huyết xông xáo không ngại khó, có sự dũng cảm dám làm những điều mới. Tuy nhiên cũng có điểm chung là học trái ngành. Các em không học đúng ngành chuyên ngành công việc, dẫn đến đầy hoang mang, lo lắng lẫn tự ti.
“Everything happens for a reason”: một câu nói My luôn tin là đúng. Mọi việc xảy đến với chúng ta trong cuộc đời này đều sẽ góp phần đưa ta đến được nơi cần đến.
Sẽ thật may mắn nếu ta có thể chọn học đúng ngành học rồi ra trường làm đúng công việc thuộc chuyên ngành ấy; và kì diệu hơn là ta cũng thích mê công việc đó, cảm thấy vui vẻ vì mỗi ngày được làm việc và không có ý định bỏ nghề.
Nhưng phần đông không may mắn như thế. Hãy để My kể bạn nghe rất nhiều câu chuyện thực tế liên quan đến “học trái ngành, muốn đổi ngành đổi việc” mà My chứng kiến:
- Có anh trai học Tài chính, làm mảng Tín dụng ở Ngân hàng 5 năm. Sau đó không còn nhiệt huyết, cảm thấy mệt nhoài với những chỉ tiêu doanh số đè lên vai mỗi tháng; muốn làm công việc marketing, lập kế hoạch… Nhưng 26-27 tuổi đổi ngành thì có muộn không?! Làm sao để bắt đầu lại?!
Không sao cả, không bao giờ là muộn để bắt đầu lại. Rồi thì nhờ những năm làm việc trong Ngân hàng, cộng với kiến thức tài chính, sự nhạy bén với con số hơn so với những đồng nghiệp khác, anh có thể làm công việc Marketing trong ngành Tài chính, có thể hiểu và “giao tiếp tốt” với các đội nhóm kinh doanh vì đã có nhiều năm chạy doanh số sấp ngửa. Đương nhiên quá trình đổi ngành với một người U30 cũng đau đớn như rắn vào kì lột da vậy, nhưng không đau đớn thì không thể thay đổi để làm được việc mình muốn.
- Một anh trai khác, đi làm nhiều năm, tích luỹ được kha khá vốn mở kinh doanh phòng gym, trà sữa, tất cả đều đầu tư tươm tất; anh sửa soạn sẵn sàng trở thành “Lão bạ” (ông chủ) trong sự trầm trồ của bạn bè. Thì dịch đến, cuốn trôi hết tất cả vốn liếng anh tích luỹ, trắng tay + sống một mình trong suốt giai đoạn giãn cách, thiếu chút nữa là mắc trầm cảm. Sau đó tự mình giãy giụa để vượt qua. Lúc này, anh đã quay trở lại công việc CD – Giám đốc Sáng tạo của một tập đoàn lớn và làm nhiều dự án khác song song, có thể tìm lại thời hoàng kim của chính mình.
- Một người bạn thân của My, học về quản trị kinh doanh, khi đi làm thì bén duyên mảng Media Performance ở Agency, guồng công việc rất bận rộn không thở nổi. Tuy nhiên, bản thân bạn thích thiết kế thời trang, một ngành học có vẻ như chỉ dành cho con nhà giàu, vì từng cây kim sợi chỉ để thực hành trong mỗi bài tập đều đắt đỏ, không phải ai cũng có thể theo học lâu dài được.
Cách đây 2 năm, khi đã có những thành công nhất định với sự nghiệp Truyền thông – Quảng cáo, bạn lại dũng cảm và quyết liệt dừng lại, để theo đuổi ước mơ thiết kế thời trang còn vương vấn từ thuở nhỏ. Hiện thì bạn vẫn làm công việc fulltime ở TikTok và song song đó set-up business về thời trang bền vững cho riêng mình. Bước từng bước chân bé nhỏ mà chắc chắn, bất khuất với con đường mả bạn đã định ra.
Những bạn trẻ ngày đêm nỗ lực trong môi trường làm việc thực tế, bất luận có được đào tạo đúng ngành hay không
Những bạn trẻ học trái ngành, đầy hoang mang và lo lắng
Có một điều nghe hơi ngược ngạo nhưng tôi thật lòng muốn nói với các bạn trẻ đang đầy lo lắng vì học và làm hai ngành không liên quan rằng: “hãy vui lên, hãy thấy mình may mắn”. Vì sao?
Vì bạn sớm phát hiện ra bản thân muốn gì và có thể bắt đầu nỗ lực để đến được gần với công việc mình muốn làm, với sự nghiệp mình muốn theo đuổi.
Bạn thử nghĩ nhé, nếu đến năm 30, thậm chí 40 tuổi bạn mới thấy mệt nhoài với ngành mình đã học và công việc mình đã làm thì sẽ ra sao? Chắc chắn việc thay đổi sẽ khó khăn hơn muôn phần. Vì thời điểm đó, bạn có nhiều ràng buộc hơn, trách nhiệm với gia đình lớn hơn, việc dứt áo thay đổi hay làm lại từ đầu sẽ cơ cực hơn rất nhiều. Có nhiều người phát hiện ra đam mê, lối đi nghề nghiệp của mình khá muộn, khi đã mang trên vai nhiều trách nhiệm, vì thế đành đau lòng lãng quên đi giấc mơ của chính mình để sống tròn vai mình đang sắm.
Trong đời, ai ai cũng có những quyết định làm bản thân phải hối tiếc. Nhưng những điều hối tiếc ấy tồn tại chính là cách tốt nhất nhắc nhở ta sống trọn vẹn hơn, làm hăng hái hơn… để không bao giờ phải hối tiếc nữa.
Đôi điều nhắn nhủ đến những tâm hồn đang ngổn ngang trăm mối
Các bạn đang ở giai đoạn rất quyền lực, đó là giai đoạn được phép thử và sai. Hãy tận dụng tối đa 2 năm đầu sau khi tốt nghiệp để thử làm những việc mình muốn, để chọn ra con đường phù hợp mà bạn có thể đồng hành ít nhất trong 5 năm – 10 năm tới.
Hãy xắn tay áo lên, tâm tâm niệm niệm mà:
- tìm ra con đường chân chính mình muốn đi lâu dài
- hãy học bổ sung những gì mình còn khuyết
- hãy làm việc gấp đôi, gấp ba; không ngại nhận nhiều việc hơn để bản thân tiến bộ nhanh hơn
- hãy trân trọng những công ty đầu tiên đón nhận bạn khi bạn chưa có bất kì kĩ năng nghề nghiệp nào, cố gắng gắn bó tối thiểu 1 năm để bản thân được cọ xát, CV được tròn trịa.
- hãy đi ra ngoài nhiều hơn để có cơ hội quen biết thêm nhiều anh chị trong ngành mình muốn làm, tìm kiếm lời khuyên và mối quan hệ hữu ích cho công việc
- Ý nghĩa lớn của việc học đại học không phải nằm ở cái bằng tốt nghiệp mà chính là bạn học được tư duy nền, trang bị kĩ năng cứng/ mềm và rèn giũa nghị lực: những điều mà sau này dù bạn làm ở ngành nghề chuyên môn nào cũng cần. Trong thực tế, dù một bạn tốt nghiệp đúng chuyên ngành, thì khi bước vào doanh nghiệp cũng cần 6 tháng – 1 năm được đào tạo để doanh nghiệp có thể “dùng được”. Còn bạn, nếu lỡ không học đúng ngành, cũng chẳng có gì phải bi quan cả, đừng bao giờ có suy nghĩ tiếc 4 năm ngồi trên ghế giảng đường Đại học. Điều duy nhất bạn cần bận tâm bây giờ là làm sao tăng tốc học tập, tích luỹ để không phải hối tiếc về sau.
- Đừng chỉ hối tiếc và dừng lại với những quẫn quanh các suy nghĩ “mình như vậy là bất lợi hơn các bạn học đúng chuyên ngành đến 3-4 năm, làm sao mình theo kịp họ?!”. Có một hình ảnh ví von rất sát với trường hợp này là “Múi giờ ở New York sớm hơn California tận 3 tiếng nhưng không vì thế mà cuộc sống của Cali kém sôi động hơn”. Mỗi người đều có một timezone riêng cho sự phát triển của bản thân. Hãy tôn trọng điều đó và tận tâm nỗ lực cho tương lai của chính mình.
- Còn nếu lỡ có xui, đến một ngày so sánh thấy mình vẫn chậm hơn bạn bè đồng trang lứa vài năm thì cũng đừng tuyệt vọng. Có một khái niệm gọi là Late Blommers – Những đóa hoa nở muộn. Tôi không cố tình nhắc đến chỉ để xoa dịu bạn kiểu chicken soup, mà vì bản thân tôi cũng từng trải qua những giai đoạn phải thừa nhận rằng sau rất nhiều những cố gắng vẫn thấy mình cứ trễ trễ, chậm chạp so với thời cuộc. Khi đã có hiểu biết sâu rộng hơn, tôi lại càng thấy trân trọng từ “nở muộn”. Đó là lúc tôi nhìn nhận bản thân khách quan và công bằng hơn, không dùng tiêu chuẩn chung của người khác để áp cho mình một cách vô lý nữa. Đây là một chủ đề hay cần có bài viết riêng, hẹn bạn vào dịp gần nhất sẽ thảo luận.
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến người học trái ngành rằng: giống như chú lừa ở đầu câu chuyện, hãy tỉnh táo nhận ra vấn đề của mình, tìm hướng hành động thay vì than vãn hay lo âu – những điều không giúp bạn thay đổi được cục diện trước mắt lẫn tương lai lâu dài.
Be Gentle,
Loves.