Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi phải cảm ơn 10 năm làm việc ở các Corporate – các tập đoàn lớn. Thế thì, corporate life cho tôi được những gì?
Hôm nay không chỉ là ngày tròn trịa, đẹp về nghĩa đen mà với tôi cũng thật trọn vẹn khi nhận được lời mời nhận dự án chính thức từ Giám đốc Điều hành, trở thành Chuyên gia của BGS Global, tư vấn và huấn luyện tại các Doanh nghiệp SMEs.
Đây là cột mốc ghi nhận đáng kể cho một thời gian dài không có cuối tuần, thức khuya dậy sớm như nông dân đúng nghĩa. Vượt qua vòng xét hồ sơ năng lực, phỏng vấn 1 chọi 7-8 để tìm ra người phù hợp, tôi được xuất hiện trong lớp học cùng 3 người chị khác. Suốt thời gian đào tạo tại đây, tôi được học trực tiếp với chính Chủ tịch BrainGroup, một người Thầy có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và tư vấn cho các Doanh nghiệp Top 500. Sau đó là phần Thi sát hạch kéo dài trong 2 tuần để đảm bảo chuyên gia đã được trang bị đủ, đáp ứng kiến thức và kĩ năng cho các phần Training & Coaching khi đến với Doanh nghiệp.
Một trong những điều kiện để trở thành chuyên gia là ở độ tuổi từ 35 trở lên để đảm bảo nền tảng nghề nghiệp đủ đáp ứng yêu cầu của vị trí. May mắn là với những gì tôi đã tích luỹ được, tôi được đặc cách xét duyệt về độ tuổi, trở thành người trẻ nhất trong hàng ngũ Cộng đồng Chuyên gia của BGS Global (tính đến lúc này).
Corporate life giúp trang bị tác phong và tư duy tốt
Tác phong khi đi làm việc tại các Doanh nghiệp lớn luôn được/ bị cấp trên, đồng nghiệp, đối tác đánh giá qua nhiều khía cạnh:
Chuyên nghiệp qua kỹ năng chuyên môn
Chuyên nghiệp qua thái độ
Trang phục chỉn chu, tác phong chuyên nghiệp khi đi làm
Luôn đúng giờ trong mọi tình huống
Giao tiếp chân thành giữ tác phong chuyên nghiệp
Đối xử tử tế với mọi người
Cầu tiến, ham học hỏi
Biết tự đứng lên khi vấp ngã
Tích cực xây dựng và đóng góp ý kiến với tác phong chuyên nghiệp
Chu toàn và cẩn thận
Tự đưa ra giới hạn thưởng, phạt cho mình
Tuân thủ các quy định ở công ty
….
Khi làm việc ở môi trường corporate, bạn sẽ luôn phải giữ cho mình chỉn chu, chuẩn mực nhất có thể. Điều mà gần như bị “skip” – “cho qua” nếu bạn làm việc ở các công ty nhỏ hoặc công ty gia đình, toàn người thân quen với nhau. Lúc đó những yêu cầu bên trên đôi khi bị xem là rườm rà, hình thức, không cần thiết. Tuy nhiên, lâu dần bạn sẽ mất đi phòng vệ, mất đi ý thức về việc mình “behave” – “hành xử” như thế nào là hợp lý, là chuẩn mực với từng nhóm đối tượng khác nhau.
Những thân thuộc, dễ gần ban đầu có thể bị đánh giá là qua loa, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng trong một số trường hợp nhất định. Bản thân tôi vẫn giữ quan điểm mỗi khi có dịp đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, rằng: những năm đầu đời đi làm, ít nhất 3 năm, bạn nên lựa chọn những môi trường chuyên nghiệp để trải nghiệm. Công dụng của điều này thì rất nhiều, tiêu biểu nhất là tạo cho bạn một nền móng vững chắc về professional manner – tác phong hành xử chuyên nghiệp. Đây là hành trang quý giá để sau này bạn có thể linh hoạt trong đa dạng những nơi bạn đặt chân đến.
Mở mang đầu óc và tầm mắt
Xuất phát điểm là dân tỉnh, là “em ở nhà quê mới lên” đó, hơn nữa lại không anh chị đi trước dẫn đường, không theo trường phái người quen gởi gắm, những năm đầu đời đi làm ở hai Tập đoàn Tài chính lớn là cơ hội cho tôi bước ra đời, âm thầm học hỏi và trang bị nhiều thứ. Gặp đồng nghiệp nào, đối tác nào, gần như trong đầu tôi cũng choáng váng với nền tảng của họ. Không có cha mẹ là ông này bà kia, thì cũng có anh chị là người này người kia.
Thời gian đầu tôi thấy mình hơi tội nghiệp, vì làm gì học gì cũng tự thân vận động mà có được. Nhưng sau đó nghĩ lại thì tôi lại tự tán dương chính mình, không cần vờ khiêm tốn để phũ nhận rằng: Bản thân rất khá vì có thể đến cùng nơi, đứng cùng chỗ với những người có xuất phát điểm cao hơn mình.
Cũng nhờ ở corporate, tôi được gặp những người anh, người chị đồng thời cũng là người đứng đầu, hoặc quản lý cấp cao, có kinh nghiệm chinh chiến nhiều năm ở các tập đoàn lớn. Để ý thức được mình thật nhỏ bé, cần bổ sung, hoàn thiện liên tục để trở thành phiên bản ưu tú hơn.
Hay những trải nghiệm ngoài công việc mà chỉ các tập đoàn lớn mới đủ khả năng đầu tư và chi trả như có lần tôi chia sẻ trong các bài viết như: https://tgwwriters.com/chat-lieu-nguoi-viet/
Corporate life giúp tôi có nền tảng và danh tiếng tốt
Tôi vẫn thường tự đùa rằng bản thân là người “háo danh”, tức là làm gì cũng cân nhắc xem việc đó tác động đến “tên tuổi” của mình như thế nào, điều này còn quan trọng hơn số tiền tôi thu về khi làm công việc đó nữa.
Nhớ có lần tôi đi phỏng vấn, chị Hiring Manager nhìn vào CV và trao đổi xong thì nói là “chị hỏi em vậy chứ chị biết hết, em làm việc được với ngân hàng <giấu tên> trong suốt từng đó thời gian đó là chị thấy em giỏi rồi. Chị cũng từng serve account đó nhưng 7 tháng là ngưng” 🙂 Không biết nên khóc hay nên cười, nhưng rõ là có nhiều “cái tên nói lên tất cả”.
Và vừa hay background làm việc trong những Doanh nghiệp lớn giúp tôi củng cố hồ sơ năng lực của mình. Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn vì đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp hồ sơ nhận học bổng đi học Master của tôi sáng hơn, và bây giờ thì tăng tính thuyết phục rất nhiều khi góp phần giúp tôi trở thành Chuyên gia của BGS Global.
NHƯNG, luôn có chữ nhưng 🙂
Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng cần phải tỉnh táo nhìn nhận rằng Corporate không phải là con đường duy nhất để chúng ta xây dựng sự nghiệp trong đời. Ít nhất là với nhóm những người thích bản thân trở nên đa-zi-năng, không bị bó hẹp và giới hạn khả năng phát triển.
Với kinh nghiệm của một người có 10 năm vòng quanh trong môi trường Corporate, tôi sẽ nói với bạn lý do tại sao nhé. Những lý do tôi đang nói là về việc phát triển nghề nghiệp, chưa nói đến vấn đề Tài chính.
Giờ làm việc 9-to-5
Khung thời gian quá cứng này gần như triệt tiêu mọi cơ hội linh hoạt và đa dạng nguồn thu của một người. Mặc dù hiện có nhiều Doanh nghiệp cho phép làm hybrid, tức là không nhất thiết phải tới văn phòng làm việc. Nhưng thực tế thì bạn phải túc trực bên laptop, điện thoại 24/7 vì có thể bị gọi họp khẩn bất cứ lúc nào. Đấy là tôi chưa bàn đến khi bạn làm việc với Sếp quá toxic, ngồi vào họp chỉ có chửi và chửi và chửi, thì gần như bạn sẽ buồn nguyên ngày đó, và cả những ngày sau nữa, chả còn sức lực đâu làm việc, cống hiến.
Một điều nữa không biết những bạn khác có giống không, là tuy tôi có ngày phép nhưng không dám dùng nếu không thật sự cần kíp. Vì sao à, vì nghỉ 1,2 hôm là ik như rằng email, tin nhắn công việc sẽ ngập đầu, dẫn đến tâm lý không thể buông việc, không yên tâm và thấy đuối hơn sau những ngày nghỉ. Và càng leo lên cao, bạn sẽ càng bị buộc chặt với trách nhiệm và quyền hạn mà vị trí đó yêu cầu.
Corporate life hạn chế cơ hội đóng nhiều vai
Dù không ai ép buộc “Bạn chỉ được phép làm việc với chúng tôi trong khi hợp đồng còn hiệu lực” nhưng thực tế là khi người lao động kí hợp đồng với doanh nghiệp nghĩa là hình thành mối quan hệ cam kết, “bất khả phân li” trong thời gian còn hợp đồng. Dù ngoài giờ hành chính bạn có làm thêm bao nhiêu cho công ty đi nữa, chỉ cần trong giờ hành chính họ không thấy bạn thì gần như bạn bị kết án.
Hoặc với một người có niềm tự tôn lớn trong lòng như tôi, luôn muốn lời nói của mình có giá trị và được lắng nghe, thì rõ là khi chỉ là một ai đó – luôn có thể bị thay thế trong một tập đoàn lớn không giúp tôi thoả được chí tang bồng của mình. Trong hầu hết trường hợp chúng ta cố gắng góp sức bằng cách đưa ra các đóng góp, ý kiến để cải thiện chất lượng công việc. Nhưng Sếp đã không chọn thì lo im lặng làm theo, cấm cãi.
Và nếu chấp nhận cuộc đời corporate life thì gần như chúng ta đang tự triệt tiêu cơ hội phát triển không giới hạn của bản thân mình.
Bộ skill set dễ bị đóng chặt
Đối với tôi đây là điều quan trọng và đáng lo ngại nhất. Chắc bạn sẽ không phản đối tôi rằng, mỗi vị trí công việc hay mỗi nhóm phòng ban chuyên trách luôn yêu cầu đúng một bộ skill set nhất định. Càng làm trong tổ chức lớn thì bộ skill set càng bị bó hẹp lại vì tính chuyên môn cao.
Vì sao điều này lại nguy hại? Vì không ai chắc được vị trí bạn đang ngồi, công việc bạn đang làm 3 năm, 5 năm nữa có còn được trọng dụng không? Xã hội còn nhu cầu tuyển dụng vị trí đó hay không? Nhất là khi bạn lên chức cao, sự lựa chọn nghề nghiệp của bạn càng thu hẹp, điểm này thì dựa trên lý thuyết “thắt cổ chai”. Chưa nói chuyện, khi làm càng lâu trong corporate life, càng nhuần nhuyễn công việc của mình, bạn càng dễ rơi vào lối mòn, rập khuôn và không muốn thay đổi những điều đã thành thói quen.
Đừng để vì vô tình hay cố ý mà đẩy bản thân vào tình thế không được lựa chọn, không có bất kì sự tự do nào trong quyết định nghề nghiệp.
Bài viết này tôi muốn đề cập đến cả ưu và khuyết để bạn có thêm thông tin khi chọn và xem làm việc ở corporate là con đường huy hoàng duy nhất. Thực tế hoàn toàn không phải vậy. Có vô vàn cách làm và hình thức làm ngoài kia giúp bạn đạt được sự thịnh vượng cả về sự nghiệp – tài chính lẫn cuộc đời.
Bản thân tôi nghĩ, mỗi giai đoạn trong cuộc sống chúng ta sẽ có những lựa chọn công việc phù hợp tương ứng. Có lúc cần phải học hỏi và sự ổn định tạm thời từ corporate life, sẽ có lúc muốn tự do trang bị thêm nhiều skill sets bằng công việc freelancer; cũng có lúc thấy tích luỹ ổn rồi thì bứt ra làm kinh doanh.
Quan trọng là hãy chuẩn bị kĩ lưỡng, dám đương đầu với thay đổi và dũng cảm lắng nghe nguyện vọng của chính mình.
Be Gentle,
Love.
P/s: Bài này đã muốn viết lâu rồi nhưng nay mới xuất bản, sau khi được truyền cảm hứng từ bài viết cùng chủ đề của chị Linh Phan và em Vi Trần.