Trong quá trình làm việc, trao đổi với nhiều bạn đến từ nhiều mảng công việc, chuyên môn khác nhau. Tôi nhận thấy kiến thức thuộc nhóm tiếp thị, truyền thông, kỹ năng viết lách của mình sẽ giúp đỡ được rất nhiều người.
Chính vì thế tôi quyết định thực hiện bản tin mà ở đó thông qua các hướng dẫn chi tiết, những chỉ dẫn cặn kẽ sẽ giúp bạn dần có những kiến thức đúng và trang bị những kiến thức kỹ năng hữu ích dù bạn làm ở bất cứ ngành nghề nào.
Đây là bản tin cung cấp những kiến thức và cách ứng dụng Marketing, Truyền thông & Viết lách vào công việc & đời sống của tất cả chúng ta, dù bạn đang làm ngành nghề hay lĩnh vực nào.
Đôi lời chia sẻ về kỹ năng viết lách
Những kiến thức, kỹ năng liên quan đến Marketing, Viết lách mà trước nay bạn nghĩ chỉ dành cho những ai có chuyên môn thì thật ra đều có thể dành cho tất cả chúng ta. Hãy để tôi đưa vài dẫn chứng nhé.
- Nếu bạn là một cá nhân đi làm công ăn lương > Bạn cũng cần tiếp thị bản thân mình để có công việc như ý.
- Nếu bạn là một người làm công việc tuyển dụng > Bạn cũng cần biết cách Viết nội dung tuyển dụng thu hút
- Nếu bạn là người kinh doanh buôn bán trên các nền tảng online > Bạn cũng cần định vị mình để được nhớ đến gắn với những sản phẩm dịch vụ bạn đang cung cấp
- Nếu bạn là chủ doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ > Bạn càng cần biết cách làm thương hiệu cho bản thân lẫn business của mình để tối ưu chi phí bỏ ra và tối đa lợi nhuận thu về.
- Hay chỉ đơn giản bạn nhận thấy bản thân cần cải thiện kỹ năng về Marketing, Viết lách để mở ra nhiều cơ hội hơn cho chính mình
Có lần tôi nói chuyện với người anh làm công việc Tuyển dụng cho một Tập đoàn gốm sứ lớn ở Việt Nam, anh nói: “Nhiều bạn bè của anh làm marketing thấy họ cập nhật nhanh nhạy mọi thứ nên có nhiều ưu thế khi muốn kinh doanh một thứ gì đó. Anh cũng cố gắng cập nhật nhưng không thể kịp bằng.”
Khi thực hiện bản tin này, tôi mong muốn “bình dân hoá”, “phổ cập hoá” những kiến thức về Tiếp thị, Truyền thông và Viết lách đến tất cả mọi người. Vì trong một thời đại mọi thứ diễn ra rất nhanh, thế giới ngày càng phẳng, cơ hội vì thế được cào bằng ra… nếu nắm bắt được những kỹ năng cần thiết thì sẽ là bàn đạp để ta cưỡi sóng và bật cao. Còn nếu không, bạn sẽ thấy mình đang bị con sóng ấy nhấn chìm.
Ngoài cách đọc bài trên blog của tôi, bạn cũng có thể tìm thấy những điều thực tiễn ấy thông qua các bản tin được đều đặn gởi vào hòm mail bạn mỗi thứ Ba hoặc thứ Bảy hàng tuần.
Chủ đề ngày hôm nay sẽ thuộc series Marketing, Writing giúp mang đến cho bạn cái nhìn rõ hơn về kỹ năng viết lách, cũng như chỉ dẫn bạn cách ứng dụng và giúp cải thiện tích cực nhiều khía cạnh trong công việc và cuộc sống.
Bạn đã từng nghĩ gì về Viết lách?
Thú thật đi nào, có phải bạn đã hoặc đang nghĩ viết lách chỉ dành cho thiểu số những con người có năng khiếu riêng, giống như ca sỹ được trời ban cho giọng hát vậy. Mà thật ra ca sỹ cũng vẫn phải luôn rèn luyện để hát tốt hơn mỗi ngày mà nhỉ?!
Trong những bài viết của cây bút Ann Handley thuộc toà soạn Wall Street Journal đã chỉ ra rằng: “Điểm khác biệt giữa giỏi toán và dở toán nằm ở sự nỗ lực. Bạn cần phải cố gắng và cố gắng. Chỉ vậy thôi.
Viết lách cũng như vậy.”
Những người ngoại đạo của Viết lách đều tin đó là một bộ môn nghệ thuật dành cho số ít người, chỉ những ai “được chọn” mới có thể làm tốt công việc khó khăn này. Nhưng hình dung nhé, ai trong chúng ta muốn giao tiếp được tốt cũng cần nhuần nhuyễn Nghe – Nói – Đọc – Viết. Viết có vẻ là kỹ năng khó nhằn hơn những kỹ năng còn lại, nhưng chắc chắn vẫn là kỹ năng cần thiết, và dành cho số đông.
Chắc các bạn đều đồng ý rằng: Kỹ năng là thứ có được nhờ sự tiếp thu, trải nghiệm, rèn luyện và thực hành đi thực hành lại. Trong trường hợp này, Viết lách chính xác là một thói quen, không phải là một loại hình nghệ thuật các bạn ạ.
Sự thật về kỹ năng viết lách là
Khi nghĩ về viết lách, bạn sẽ nhận ra sự thật rằng bản thân ngày nào cũng viết cả. Bạn viết email đến cấp trên, đồng nghiệp để trao đổi công việc; Bạn viết proposal để đề xuất xin duyệt một hạng mục nào đó; Bạn cũng viết lên facebook, insta… của mình, hoặc bình luận bên trang của người khác…
Bạn thấy đó, chúng ta dùng kỹ năng này mỗi ngày, nhưng chưa thật sự rõ ý nghĩa của nó và thường vô tình dựng lên hàng rào chắn khi nghe đến “viết”. Đa số sẽ liên tưởng ngay đến công việc viết nội dung của người làm marketing, hay viết báo tin tức, hay thậm chí sáng tác thơ văn. Nhưng viết lách là một phần kỹ năng giao tiếp của chúng ta.
Một khi kỹ năng viết được cải thiện, cũng là lúc bạn có thể giao tiếp hiệu quả hơn với thế giới bên ngoài:
- Bạn có thể thoải mái kể một câu chuyện vui vừa trải qua hồi cuối tuần để chia sẻ trên facebook
- Bạn có thể gõ phím liên tục viết một post tuyển dụng hấp dẫn thu hút ứng viên
- Bạn tự tin viết một bản đề xuất proposal mạch lạc và hiệu quả để gởi lên cấp trên duyệt chi ngân sách
- Bạn cũng không cảm thấy căng thẳng nếu được viết một lá thư trình bày một vấn đề nào đó trong học tập hay công việc.
Bạn thấy không, tính ứng dụng nhiều vô kể!
Có thể bạn chưa biết về những tác giả Viết lách lừng danh
Bạn biết không, tuy là người viết hơn chục năm rồi, nhưng những năm trước tôi viết không đều. Chủ yếu là cung cấp dịch vụ viết bài PR, nghĩa là viết thuê để nhận thù lao là chính.
Khoảng 5 năm trở lại đây tôi mới viết nhiều hơn, cho bản thân và cho những dự án cá nhân. Nhưng phải thú nhận rằng có nhiều giai đoạn tôi cảm thấy bế tắc với việc viết của chính mình. Tôi không duy trì đều đặn như kế hoạch đặt ra, và thường đổ lỗi cho lịch công việc bận rộn hoặc không có cảm hứng viết.
Vì thế tôi đã tìm đọc rất nhiều về cách duy trì kỷ luật lẫn năng lực viết của những nhà văn lớn, những người có tên tuổi trong nghiệp viết lách để tìm động lực cho chính mình.
Thì nhận ra rằng, họ cũng không khá hơn những con người bình thường như chúng ta là mấy.
Họ cũng có rất nhiều phút yếu lòng, thấy mình kém cỏi, ngồi thừ hàng giờ đồng hồ trước trang giấy trắng. Hay như Philip Roth – tiểu thuyết gia người Mỹ có chia sẻ: “Bắt đầu một cuốn sách thật khó chịu. Tôi hoang mang vô cùng về nhân vật, và cách để thử thách họ… Nhưng tệ hơn việc không biết viết về cái gì, là không biết phải viết như thế nào.“
“Một nhà văn đi trước có thể cho nhà văn trẻ hơn lời khuyên gì? Chỉ có thể là những gì người ấy mong muốn được chỉ bảo nhiều năm về trước. Đừng nản lòng! Đừng lén nhìn và so sánh mình với những người đồng nghiệp khác!… Hãy dốc lòng mà viết.
Trước khi nhà văn vĩ đại trở nên vĩ đại, hay thậm chí, vững tay, người ấy cũng phải mò mẫm để tìm cho mình một lối đi, một tông giọng, cũng giống như bạn lúc này.” – Joyce Carol Oates – nhà văn người Mỹ.
Đâu phải những người mà bạn thấy là viết tốt thì tự nhiên sinh ra họ đã được ấn định sẽ viết tốt. Tất cả đều là thành quả của quá trình dài miệt mài nỗ lực cả.
Vậy nên, hãy để tôi đồng hành cùng bạn trong suốt chặng hành trình khám phá và rèn luyện ấy nhé.
Những bài viết tiếp theo trong series này sẽ chia sẻ đến bạn nhiều hơn nữa những câu chuyện, những lầm tưởng và cách hiểu đúng về viết lách, cũng như mỗi ngày một tip để bạn rèn luyện kỹ năng viết của chính mình.
Hãy đón đọc những bài viết tiếp sau nhé.
Be Gentle,
Love.