Hằng năm, cứ đến dịp sinh nhật, tôi lại tự tặng mình một món quà nào đó. Những năm còn độc thân, tôi chọn du lịch, thả mình lang bạt ở nơi có nhiều núi rừng. Sau đó nữa khi khắt khe hơn về quản lý tài chính cá nhân thì tôi mua những thứ có thể trở thành tài sản. Trong thời điểm cần bình tĩnh sống như năm nay, tôi ưu tiên đầu tư cho một dấu mốc về nghề nghiệp, mở thêm một nhánh cơ hội chuẩn bị cho tương lai.
Có những tháng ngày rất khó để bình tĩnh sống
Tôi có một người bạn, cũng là người em đang làm Data Science ở thung lũng Sillicon. Một tháng trở lại đây, sáng nào ngủ dậy tin nhắn đầu tiên nhận được cũng là tin layoff từ em ấy, vì ngược múi giờ. Ban đầu thì tôi còn bàn tán cùng em ấy về tình hình ở bển, sau đó thì cũng đưa ra lý lẽ này kia để khuyên nhủ cho em bớt lo âu. Nhưng những tin tức về các Tập đoàn công nghệ bên Mỹ sa thải hàng ngàn, hàng chục ngàn nhân viên vẫn cứ gởi đến làm tôi cảm thấy bực và không phản hồi tin nhắn nữa.
Tại sao? Vì trước nay tôi rất ghét người tiêu cực và bi quan.
Nói thật với bạn, nói đến “lo, buồn, khổ” thì chắc chắn ai sống ở đời cũng có cả. “Người giàu cũng khóc” mà. Nhưng nếu ai cũng suốt ngày chăm chăm nghĩ đến mặt tối của cuộc đời thì chẳng phải khắp nơi toàn bi quan, tăm tối sao? Đã mất công suy nghĩ, sao không nghĩ những gì tích cực tươi sáng? Sợ bị sa thải sao không tranh thủ lúc chưa bị sa thải mà học lấy những kĩ năng làm bản thân mạnh lên? Hoặc tìm thêm những hướng phát triển nghề nghiệp có thể tận dụng những kĩ năng, kiến thức thế mạnh của bạn?
“Người có trí tuệ thông minh bàn về ý tưởng, người có trí tuệ bình phàm bàn về sự kiện, người có trí tuệ yếu nhược bàn về con người”
-Khuyết danh-
Bạn đã từng nghe đến VUCA chưa?
Khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới “đa cực”, được xác lập khi thỏa 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã một lần nữa đặt thế giới vào tình trạng “VUCA” kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Khái niệm VUCA được Trường Chiến tranh Quân đội Mỹ công bố vào đầu những năm 90 để mô tả về thế giới “đa cực” xuất hiện sau Chiến tranh Lạnh. Lần gần đây nhất thế giới rơi vào tình trạng VUCA là trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Và khi dịch Covid với những tác động sâu sắc mà nó mang lại đã đặt thế giới vào trạng thái VUCA một lần nữa. Cụ thể năm 2022 này thì kinh tế cả thế giới biến động theo chiều hướng đi xuống, như bạn cũng biết.
Chúng ta cần làm gì để bình tĩnh sống và nắm thế chủ động giữa trạng thái “VUCA”?
Linh hoạt là chìa khoá giúp ta sống tốt ở bất kì môi trường nào
Nhiều năm làm trong corporate có nhiều ưu điểm như tôi từng chia sẻ trong những bài trước, nhưng cũng có điểm chưa ổn là góp phần làm cho bản thân tôi trở nên khá nguyên tắc. Khách quan mà nói tôi rất thích người có nguyên tắc trong công việc và cả trong cuộc sống. Nhưng trong bối cảnh mọi thứ luôn thay đổi và biến chuyển nhanh như hiện nay, nguyên tắc một cách cứng ngắt có thể triệt tiêu chúng ta.
Cơ hội công việc cho tôi tiếp cận được đa dạng nhóm doanh nghiệp lẫn người làm trong doanh nghiệp đó. Khi ở vai trò Marketer ở các Tập đoàn Tài chính, mọi phòng ban gần như được chuẩn hoá, bài bản; khi làm công việc Trainer, tôi tiếp xúc với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các phòng ban còn khá sơ khai, thậm chí không có.
Khi làm công việc chuyên môn, tôi chỉ là một ai đó (bé nhỏ) trong một tổ chức lớn; khi là Giám khảo, Giảng viên đứng lớp cho sinh viên tôi lại rất có uy; khi đi Train & Coach cho Doanh nghiệp, người tôi gặp là Tổng Giám đốc và dàn quản lý của Doanh nghiệp nào đó. Thế thì tôi cần phải linh hoạt, luân phiên đổi vai, đổi chiếc nón mình đang đội cho vừa vặn với thế đứng của chính mình.
Có người nhìn vào thấy tôi thì thấy “bon chen quá” “phụ nữ sao phải khổ như thế, không an phận ở vị trí quản lý của một công ty nào đó lớn lớn là ngon rồi”. Nhưng tôi lại không thấy vất vả. Cuộc đời tôi phấn đấu không mệt mỏi để luôn được tự do đưa ra lựa chọn trong bất cứ điều gì mình muốn.
Vừa hay đây cũng là cách để đối diện với một thế giới sống đầy biến động và bất ổn như lúc này.
Khi đến bất cứ môi trường nào, làm việc cùng đội nhóm nào, tôi cũng luôn thầm nhủ bản thân: “phải linh hoạt, phải thích nghi, tuyệt đối không được cho rằng những điều mình đã tích luỹ là đúng tuyệt đối”.
Linh hoạt ở đây được hiểu theo nhiều mặt. Đó có thể là cách cư xử ở môi trường làm việc. Đó cũng có thể là cách chúng ta nhìn nhận một vấn đề.
Linh hoạt cũng có thể hiểu rộng ra là cách chúng ta đối diện với những tình huống, những quyết định hướng đi trong sự nghiệp của mình trong giai đoạn VUCA này. Trường hợp có người bạn của tôi đang có việc làm rất ổn, thu nhập tốt, vị trí tốt và rất thích công việc mình làm mỗi ngày, thì bỗng nhiên được cho nghỉ việc. Rõ ràng lúc này bạn chắc chắn sẽ hụt hẫng, đau khổ, bi quan nhưng đâu thể như vậy hoài. Nếu plan A của bạn là làm tốt công việc, nhận lương cao, mua nhà… thì giờ plan A sụp đổ, bạn phải xoay sang plan B, plan C… Sống được đã, những chuyện khác tính sau.
Luôn nhìn thấy điểm tích cực, tươi sáng trong mọi vấn đề
Thời điểm giao thừa Tết Tây hằng năm tôi sẽ ngồi viết những kế hoạch, mục tiêu cần đạt cho năm mới. Đầu năm 2022 tôi cũng viết rất hoành tráng phần Tài chính, dự tính sắm tài sản này, tài sản kia đủ cả. Nhưng đến giữa năm, nhảy việc gặp phải âm binh nên không thuận lợi, nhánh công việc chủ lực để tôi tạo ra thu nhập nuôi hai nhánh còn lại xem như gãy. Hạng mục Tài chính của tôi xem như hỏng trong năm nay.
Nếu là tôi của lúc trước, hẳn tôi sẽ đau khổ lắm. Nhưng điều tốt đẹp nhất của sự trưởng thành chính là giúp ta đối diện với mọi thứ một cách bình thản hơn, sáng suốt hơn. Lúc đầu tôi cũng khá lo lắng, có đôi lúc thấy sợ hãi khi kế hoạch mình vạch ra bị “gãy gánh giữa đường”. Nhưng tôi cho mình một tuần thôi, bất kì trạng thái tiêu cực nào cũng chỉ được phép có trong một tuần ấy. Sau đó thì tìm hướng giải quyết, nhìn sang những cơ hội phát triển khác.
Bánh xe cuộc đời của mỗi người có đến 8 nhánh, Tài chính chỉ là một trong số đó mà thôi. Tôi không thể vì mục Tài chính không tốt như kì vọng mà chê trách, không nhìn nhận những nỗ lực của bản thân trong suốt một năm qua. Tích cực mà nói thì năm 2022 chỉ có mảng Tài chính không tốt, 7 mảng còn lại đều rất tốt.
Đặc biệt là mảng “mối quan hệ” và “học tập”, tôi thu được những thành quả không ngờ tới. Điều làm tôi đặc biệt biết ơn là có những người anh chị, những người em chưa cần tôi mở miệng nhờ đã chủ động đưa tay ra giúp. Có người em thì chia sẻ thông tin, tài nguyên học tập; có người thì tài trợ thiết bị hỗ trợ công việc; các anh chị em bạn bè, HR Headhunt thì cứ có cơ hội công việc phù hợp là đưa CV tôi đến Doanh nghiệp; có người em thì đưa mức giá tượng trưng để giúp tôi hoàn thiện hệ thống bán khoá học của mình.
Tất cả đều là món quà quý giá khiến tôi cảm kích từ tận đáy lòng.
Luôn có hai nhóm người cùng tồn tại, một là chỉ thấy chấm đen trên tờ giấy trắng, nhóm còn lại chỉ thấy tờ giấy trắng tinh. Tôi chọn làm nhóm thứ hai. Kiểu gì cũng trôi qua một ngày, tôi chọn ngày đó trôi qua thiệt vui vẻ và lạc quan, nhẹ đầu, dễ sống.
diễn giải từ câu trả lời ứng xử của hoa hậu hoàn vũ 2005 Natalie Glebova “Hãy nhìn phần nửa đầy của ly nước, thay vì nửa vơi”
Đầu tư vào thế mạnh một cách có chiến lược
Tôi là đứa thích học, ưu tiên đầu tư vào việc học của bản thân. Đương nhiên là học tập có chiến lược và có mục đích rõ ràng. Và nhìn nhận học là một cách đầu tư, dạng đầu tư phải có lời.
Từng có một bạn trẻ tìm đến xin lời khuyên của tôi về định hướng nghề nghiệp. Dù đã ra trường 2 năm nhưng bạn còn rất mơ hồ về công việc. Thậm chí hỏi “chuyên môn của em là gì?” thì em ấy còn không trả lời được. Nói chuyện không trôi chữ, suy nghĩ không mạch lạc. Thế mà em ấy lại hỏi “Em nghe người ta nói làm nghề Coach rất tiềm năng, em có nên học làm Coach?”.
Câu hỏi của em nói lên điều gì? Câu hỏi này cho thấy giữa biển thông tin trên internet, nếu không có kiến thức, va chạm, trải nghiệm, bất kỳ ai cũng dễ bị nhấn chìm và có những quyết định sai lầm, dẫn đến mất một khoản chi phí cơ hội cực lớn. Và xôi hỏng bỏng không.
Trước nay tôi vẫn thừa nhận bản thân là người làm gì cũng có mục đích rõ ràng. Tất cả những nhánh công việc tôi làm, những khoá tôi học, những bằng cấp tôi thu thập, tựu chung lại đều làm bổ trợ qua về và phục vụ cho 3 từ khoá tôi định vị mình: Marketer. Trainer. Writer.
Chuyên môn của tôi là marketing, định hướng trở thành fullstack marketer, giảng dạy marketing, đào tạo DN đặt trọng tâm vào Sales MKT, dùng marketing để làm thương hiệu cá nhân khi làm writer.
Đó là cách tôi sắp xếp lộ trình phát triển sự nghiệp của mình, không phải hàng dọc, không phải hàng ngang, mà là chữ “T” thần thánh.
Có tư duy hoạch định sự nghiệp, cuộc đời mình, như cách Doanh nghiệp làm
Tôi học được thêm một điều rất hay khi đi làm Doanh nghiệp có thể áp dụng cho cuộc sống cá nhân chính là xác định theme chủ đạo của năm. Điều này sẽ giúp Doanh nghiệp tập trung toàn lực vào đó nhằm đạt được mục tiêu đề ra, nhất là khi Doanh nghiệp chưa quá hùng mạnh, còn giới hạn về nguồn lực.
Ví dụ như hồi làm công ty BHNT có nhiều nhánh Sales, họ luôn xác định năm nay tập trung vào đội ngũ nào. Năm set-up nhánh Banca thì sẽ xác định năm nay là The Year of Banca, là sẽ đổ toàn bộ đội ngũ, tài chính, chính sách… để nhánh Banca được phát triển nhanh và mạnh nhất có thể, thậm chí là bùng nổ về tăng trưởng. Nhánh Banca ổn thì sẽ xoay đi làm chuyện khác. Trong suốt thời gian đó những nhánh còn lại cứ ở trạng thái duy trì.
Cá nhân tôi định vị bản thân là Marketer.Trainer.Writer, nghĩa là bộ kĩ năng cốt lõi có thể dùng được cho 3 nhánh nghề nghiệp; cố gắng để sự nghiệp có đủ 3 danh phận đó; tiền kiếm được từ 3 nguồn đó.
Nhưng trong sự giới hạn về nguồn lực, quỹ thời gian, mức độ tập trung… tôi không thể làm tốt ba việc một lúc. Tôi không thể vừa làm quản lý MKT ở một Tập đoàn nào đó với năng suất cao; vừa đảm bảo cho hình ảnh bản thân là Trainer xuất hiện ở nhiều Học viện, trường Đại học; vừa nhận nhiều dự án viết lách cho Khách hàng, NXB. Tôi chỉ có thể chọn một, hoặc quá lắm là hai thôi.
Vì thế mà tôi xác định 2022 là The Year of Trainer. Nghĩa là tôi hướng gần như toàn bộ thời gian, công sức, sự quan tâm, độ tập trung cho những hoạt động giúp tôi có thể nhanh chóng xây dựng hình ảnh, thương hiệu của một người Trainer.
Đối với Trainer tôi đi theo hai nhánh:
- Một nhánh là giảng dạy kiến thức marketing, truyền thông, các thể loại viết cho học viên sinh viên. Tôi có nhiều Khoá học kết hợp cùng nhiều Học viện khác nhau. Tiêu biểu có thể kể đến như:
Phối hợp cùng Glint cho khoá học về Viết nội dung có chiến lược; cùng AiM Academy về ứng dụng content, PR. Và đặc biệt là khoá Copywriting – Viết Bán hàng từ chính personal brandname của tôi bằng nhiều hình thức như online hoặc qua video quay dựng sẵn.
- Nhánh thứ hai là trở thành Chuyên gia của BGS Global, đào tạo và đồng hành cùng Doanh nghiệp SMEs: Áp dụng mô hình BGS Global đã được nghiên cứu, kiểm nghiệm ở các quốc gia phát triển, ứng dụng vào thị trường Việt Nam để các Doanh nghiệp vừa và nhỏ set-up trên một nền tảng vững vàng, tạo tiền đề từ đó tăng trưởng không giới hạn.
Tất cả nhánh công việc tôi đều lựa chọn đồng hành cùng những tổ chức lớn, có uy tín. Lý do của chiến lược này thì có rất nhiều, nhưng để chọn một thì chính là tôi muốn “rướn mình” lên cao hơn mỗi ngày so với ngày hôm trước.
Be Gentle,
Love.
Credit: Chân thành cảm ơn team BGS Global, đặc biệt em Phượng đã bố trí để các chuyên gia có buổi Tốt nghiệp ấm áp và hình ảnh lung linh.