Sau hai bài viết chung với những kiến thức về lý do cần xây dựng Nhân hiệu và cách thức thực hiện trên mạng xã hội, bài viết này sẽ đi sâu vào việc xây dựng Nhân hiệu của người viết lách.
Nếu lúc trước việc Viết lách thường được xem như một kĩ năng cần có với những người làm truyền thông marketing; hì ngày nay, Viết lách đã tách ra có đời sống riêng, trở thành nghề độc lập với nhiều nhánh công việc đa dạng. Đa phần công việc của nghề Viết lách có thể tách ra làm tự do, làm theo dự án, làm từ xa… tựu chung lại là hoàn toàn tuỳ theo năng lực của bản thân người Viết. Chính vì tính chất “tự thân vận động” như vậy, người Viết cần có “danh tiếng, vị thế” nhất định để có được nhiều khách hàng hơn.
Thế thì, Nhân hiệu của người viết lách là gì?
Có nhiều định nghĩa về Nhân hiệu hay Thương hiệu Cá nhân, vì thế tôi chỉ trích dẫn khái niệm mà bản thân tôi thấy thích và đúng nhất. Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos từng nói: “Thương hiệu cá nhân là những gì người ta nói về bạn khi bạn không có mặt ở đó“. Đó là danh tiếng, là những thứ giúp người khác nhanh chóng nhận ra bạn, là cách bạn tự quảng bá tên tuổi và định giá lời hứa của bản thân.
Hay như anh Nguyễn Ngọc Long, Truyền thông Trăng Đen thì Thương hiệu cá nhân là tổng hoà các yếu tố Ngoại hình + Giá trị + Tài năng + Tính cách.
Những keywords gắn với tên của bạn
Như tôi từng viết trong bài trước, giờ đây khi mọi thứ đều được tìm thấy trên internet, thì bản thân bạn cũng vậy. Thế thì bạn muốn khách hàng tiềm năng hay những ai quan tâm bạn dùng từ khoá gì để tìm thấy bạn?
Nếu bạn muốn trở thành một người viết có nhiều khách hàng, trước tiên bạn phải là một người viết được khách hàng tìm thấy. Bạn là nhà tạo hình của chính mình.
Bước 1: Bạn muốn được ai tìm thấy? Hay nói cách khác, bạn cần xác định đối tượng hướng đến. Họ chính là thị trường mục tiêu của bạn, nơi bạn muốn được đánh giá cao, được nhìn nhận giá trị và hiện hữu.
Bước 2: Bạn muốn được tìm thấy khi nào? Hay nói cách khác, bạn muốn họ tìm thấy bạn khi họ cần bạn giúp giải quyết vấn đề gì?
Bước 3: Từ khoá – điểm mấu chốt của quy trình tìm kiếm.
Nếu bạn chỉ có một từ khoá cho mình thì không thể thấy được đặc trưng và giúp bạn nổi trội trong danh sách kết quả. Tuy nhiên nếu quá nhiều từ khoá sẽ trở thành gánh nặng, mọi người không những không có ấn tượng về đặc trưng của bạn mà còn nghi ngờ khả năng của bạn nữa, như thế rất bất lợi cho hoạt động xây dựng Nhân hiệu của người viết lách như bạn.
Công thức lựa chọn từ khoá nên là Tên gọi sản phẩm dịch vụ x Đặc tính của chúng x Năng lực. Hoặc các tính từ miêu tả chính xác nhất về tính cách, con người của bạn.
Hầu hết các lời khuyên đều đề xuất số lượng từ khoá tối ưu nên là ba (03).
Bước 4: Thường xuyên rèn luyện đứng giới thiệu bản thân trong 1 phút, đưa các keywords bạn đã lựa chọn vào bài giới thiệu trong quá trình xây dựng Nhân hiệu cho người viết lách.
Bước 5: So sánh đánh giá những từ khoá mà bạn nhận được từ mọi người với từ khoá mà bạn đã chuẩn bị trước đó xem mức độ trùng khớp đến đâu.
Tôi đưa ví dụ để bạn dễ hiểu hơn nhé: có một chị A làm trong ngành kiến trúc, công việc chuyên môn là viết bài cho các tạp chí kiến trúc. Bây giờ chị ấy muốn phát triển công việc viết tự do, cung cấp dịch vụ viết nội dung chuyên sâu trên báo về kiến trúc – nội thất.
Bước 1: Đối tượng khách hàng chị ấy nhắm đến là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế, doanh nghiệp kinh doanh nội thất.
Bước 2: Chị muốn được các doanh nghiệp tìm thấy khi họ có nhu cầu viết các bài báo quảng bá sản phẩm dịch vụ, bài phân tích sâu về kiến trúc hoặc nội thất.
Bước 3: Từ khoá chị ấy chọn có thể là
Kiến thức vững: kiến trúc nội thất là ngành thường được đào tạo bài bản về kiến thức ngành, kiến thức đời sống, thậm chí về phong thuỷ, tâm linh và cũng cần cập nhật những xu hướng thiết kế mới, cập nhật về chất liệu, màu sắc… liên tục để không bị lạc hậu
Kinh nghiệm dày dặn: những bài phân tích chuyên sâu cần tích luỹ nhiều năm để tạo ra những bài viết giá trị, khác biệt
Mối quan hệ với báo giới: để thương lượng có những vị trí đẹp, dàn trang đẹp, chi phí hợp lý và những quyền lợi cộng thêm khác.
Bạn đang xây một căn nhà Thương hiệu Cá nhân
Căn nhà này có hai tầng: tầng 1 là giá trị lý tính, tầng 2 là giá trị cảm xúc và mái nhà là phần tầm nhìn. Nếu tầng 1 là thành tích, kỹ thuật và kiến thức chuyên môn của bạn; thì tầng 2 chứa đựng những giá trị về cảm xúc của đối phương khi tiếp xúc với bạn. Phần mái vòm cao nhất là hình ảnh tương lai bạn muốn trở thành, mái nhà được nâng đỡ bởi những giá trị lý, gồm những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm ở tầng 1; và những giá trị cảm xúc mà khách hàng tiềm năng hiện hữu nhận được từ bạn ở tầng 2.
Chúng ta thường theo mô-típ xây nhà phải xây từ mống và bắt đầu từ tầng 1, tuần tự lên tầng 2 rồi hoàn thiện với mái nhà chắc chắn.
Tuy nhiên ngôi nhà Thương hiệu cá nhân của người viết sẽ đặc biệt hơn, bạn nhất định cần suy nghĩ từ tầm nhìn là mái nhà của bạn. Thứ tự này sẽ giúp bạn tìm được người mà mình muốn gây ấn tượng, định vị được hình tượng bạn hướng đến và muốn trở thành trong tương lai, mức thu nhập bạn muốn có. Khi đã có được mục tiêu cụ thể, bạn sẽ biết được những cảm xúc mà đối tượng mục tiêu mong muốn có được ở bạn. Và sau đó sẽ biết mình cần trang bị những kiến thức, kĩ năng gì để đáp ứng mong mỏi của người theo dõi mình.
Tiếp tục với ví dụ bên trên, chị A định vị hình ảnh bản thân là chuyên gia tư vấn và viết bài chuyên sâu trong ngành Kiến trúc – Nội thất và cung cấp dịch vụ viết cho các công ty lớn trong ngành , mỗi bài viết chị muốn định giá 50 triệu.
Vậy thì chị muốn cảm xúc của doanh nghiệp khi nghĩ đến chị sẽ là top of mind, người chuyên gia viết lách đầu tiên hiện ra, người đáng tin cậy, những bài viết chuyên sâu có khả năng chuyển đổi cao.
Giá trị lý tính chị cần trang bị chắc chắn là kĩ năng lên kế hoạch phát triển nội dung và kĩ năng viết chuyên sâu, khả năng kết nối các nhãn hàng liên quan để tạo thêm giá trị cho người đọc…
Ngoài ra, vì đã định vị được bản thân, xác định được mức giá mình muốn được khách hàng trả, chị A sẽ cần phải tìm cách cộng thêm giá trị vào sản phẩm dịch vụ mà mình cung cấp để khách hàng doanh nghiệp cảm thấy “đáng đồng tiền bát gạo” hay thậm chí thấy “hời” từ việc lựa chọn chị A. Những cách cộng thêm giá trị thì muôn hình vạn trạng, một số cách gợi ý như:
- chị A có thể đều đặn mỗi năm học thêm 1,2 chứng chỉ liên quan để củng cố về mặt chuyên môn
- tham dự những sự kiện, hội thảo, hội nghị trong ngành để cập nhật xu hướng, đưa vào bài viết
- chị có thể liên hệ các nhãn hàng liên quan trong ngành để tài trợ chéo qua lại nhằm bổ trợ cho khách hàng của chị
- đề xuất với bên báo về việc liên kết trưng bày trong các dịp triễn lãm hay bài trí sự kiện để quảng bá free cho khách hàng của chị.
- ….
Chúc bạn đọc có thêm gợi ý nào đó cho công việc viết lách hoặc xây dựng thương hiệu cá nhân của người viết lách.
Nội dung này sẽ còn những phần sau sẽ được cập nhật sớm.
Bài viết được bổ sung thêm ý sau khi tham dự 2 workshops về Thương hiệu Cá nhân:
Và tham khảo kiến thức từ sách Tạo dựng Thương hiệu Cá nhân của Yamamoto Hideyuki.
Be Gentle,
Love.