Đa cấp: hẳn chúng ta không ai chưa từng nghe đến hai từ này, và nhắc đến đa cấp là lừa đảo. Tuy nhiên đó có phải là sự thật? Nếu đa cấp là lừa đảo thì sao thế giới có biết bao nhiêu Tập đoàn lớn mạnh có chi nhánh khắp các châu lục, hiện diện khắp hàng chục quốc gia hoạt động theo mô hình này. Đứng ở vị trí người đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và tập tành bước vào mô hình kinh doanh này, tôi nghĩ chúng ta cần có cái nhìn công bằng, thiện chí và có hiểu biết hơn về mô hình kinh doanh nhiều tiềm năng này.
ĐA CẤP CHÂN CHÍNH – NETWORK MARKETING
Đa cấp và bán hàng đa cấp là gì?
Đa cấp: là tên gọi của kênh/chiến lược phân phối hàng hóa qua một hệ thống gồm nhiều người tham gia. Phát triển thành viên dưới dạng mô hình nhánh/cành. Mô hình này còn có tên gọi khác như kinh doanh theo mạng, kinh doanh mạng lưới, network marketing, multi level marketing (MLM)
Chính vì vậy, bán hàng đa cấp là hoạt động bán hàng mà ở đó doanh nghiệp sử dụng mạng lưới này để bán ra cùng 1 loại sản phẩm. Người tham gia bán hàng sẽ được hưởng hoa hồng từ kết quả kinh doanh của chính mình và người dưới cấp mình trong mạng lưới.
Đa cấp thực chất là một mô hình kinh doanh được pháp luật thừa nhận. Không phải cứ liên quan đến “đa cấp” là lừa đảo. Khi vào Việt Nam từ những năm 1999 – 2000, mô hình kinh doanh này bị biến tướng thành các công ty đa cấp bất chính. Nhằm lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo nên mô hình này đang bị hiểu sai và nhận về nhiều ý kiến tiêu cực, sự gay gắt của dư luận.
Theo Bộ Công Thương, bán hàng đa cấp là một ngành được thế giới công nhận. Chính vì thế sau một thời gian dài được kiểm soát, điều chỉnh bởi pháp luật. Đến năm 2020 ngành đa cấp đã dần được định hình, có 22 công ty được pháp luânt Việt Nam công nhận, đang ngày ngày đóng góp tích cực vào bức tranh chung của thị trường sử dụng lao động của nước ta.
Đặc điểm của công ty đa cấp chân chính
- Có sản phẩm tốt: đảm bảo 2 yếu tố giá cả và giá trị của sản phẩm. Chỉ bán hàng theo đa cấp chứ không huy động vốn đa cấp theo kiểu dịch vụ.
- Đào tạo nhà phân phối tốt: nhà phân phối và người bán hàng hiểu biết về sản phẩm và kỹ năng tiếp thị.
- Tập trung vào bán hàng chứ không tập trung vào tuyển dụng: đã gọi là bán hàng thì doanh thu chính là từ hoạt động bán hàng, doanh thu chỉ được sản sinh khi bán được hàng chứ không phải nảy sinh từ việc lôi kéo thêm nhiều người bán hàng.
- Có những công ty đa cấp quy định người lao động phải từ 21 tuổi trở lên mới tuyển dụng, hạn chế tối đa việc tuyển dụng sinh viên vào hệ thống.
- Cơ chế hoạt động: Được Nhà nước cấp phép kinh doanh theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Hiện nay, chỉ có 22 công ty đa cấp (đã được niêm yết tại Cục Quản lý Cạnh tranh) được phép hoạt động trên thị trường (1).
(1) Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùngKhông yêu cầu đặt cọc để trở thành nhà phân phối.
Không tích trữ hàng hóa, bán được hàng thì mới nhập hàng, được đổi trả hàng trong vòng 30 ngày.
Sản phẩm được phân phối từ các nhánh/các tầng từ cao xuống thấp: Giả sử, nhà phân phối A bán hàng cho người tiêu dùng B, C. Người tiêu dùng B, C mỗi người lần lượt bán cho người tiêu dùng B1, B2 và C1, C2. Người tiêu dùng B1, B2 và C1, C2 tiếp tục bán cho nhiều người khác nữa… cứ thế hình thành cơ chế kinh doanh dạng kim tự tháp.
Tiền thưởng dựa trên doanh số bán hàng, không dựa trên số lượng nhân viên tuyến dưới được tuyển dụng.
Tham khảo luật siết chặt với các công ty và hoạt động đa cấp bất chính: báo Tuổi Trẻ
ĐA CẤP BIẾN TƯỚNG
Đặc điểm của đa cấp lừa đảo:
Dấu hiệu nhận biết:
- Sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo.
- Chỉ tập trung tuyển dụng, không tập trung vào bán hàng.
- Yêu cầu người muốn tham gia: đặt cọc, mua 1 lượng hàng hóa cố định ban đầu, trả phí gia nhập mạng lưới.
- Không cam kết mua lại hàng hóa với mức giá tối thiểu 90% giá đã bán cho nhà phân phối.
- Nhận lợi ích kinh tế/tiền thưởng từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới.
- Hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn: “Không cần làm vẫn có tiền, thu nhập thụ động từ cấp dưới, lợi nhuận khủng, làm giàu cấp tốc chỉ trong thời gian ngắn”…
- Không có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cấp.
- Cơ chế trả thưởng hấp dẫn, tăng trưởng bất thường không phù hợp với tiềm năng và giá trị vốn có của doanh nghiệp.
Mô hình đa cấp lừa đảo: MÔ HÌNH PONZI và MÔ HÌNH PYRAMID
Giống nhau:
- Thuyết phục đầu tư với mức lãi suất rất cao.
- Để duy trì hoạt động: cần dòng tiền liên tục từ nhà đầu tư.
- Sụp đổ khi: dòng tiền đầu tư vào không còn đủ để nuôi hệ thống.
- Cách hồi sinh: người đứng đầu hệ thống bắt đầu chạy trốn, xây dựng hệ thống khác để lừa đảo.
Khác nhau:
MÔ HÌNH PONZI
- Phương thức hoạt động: nạn nhân bị ép buộc phải đầu từ vào một thực thể không tồn tại (đó có thể là 1 doanh nghiệp hoặc danh mục đầu tư độc quyền).
- Phí tham gia: không cần bỏ tiền để vào được hệ thống, chỉ cần giới thiệu được người khác tham gia cùng.
- Lợi nhuận: tiền đầu tư của nhà đầu tư sau dùng để trả lãi cho chính người giới thiệu và những nhà đầu tư cấp cao hơn, hoặc dùng để thanh toán cho các nhà đầu tư ban đầu nhằm tạo lợi nhuận ảo cho khoản đầu tư. Điều này đã khiến các nhà đầu tư hiểu lầm rằng đây là phần lợi nhuận có được nhờ đầu tư chứng khoán.
- Tốc độ sụp đổ: chậm và sẽ tiếp tục duy trì nếu có thêm những nhà đầu tư mới.
MÔ HÌNH PYRAMID
- Phương thức hoạt động: mua sản phẩm để trở thành nhà phân phối (không nhất thiết là sản phẩm chính hãng), mục đích chính cuối cùng là bán được hàng để biến người khác thành nhà phân phối cấp dưới.
- Phí tham gia: phải trả tiền mua sản phẩm mới tham gia hệ thống được.
- Lợi nhuận: nhận tiền từ việc lôi kéo thêm người vào hệ thống. Tiền thu được từ người tham gia mới sẽ được dùng để trả tiền thưởng cho người giới thiệu.
- Sụp đổ mô hình: nhanh hơn so với mô hình Ponzi. Tháp càng cao thì tốc độ sụp đổ càng nhanh. Càng nhiều nhà phân phối cấp dưới thì kim tự tháp càng phát triển, đồng nghĩa với việc lợi nhuận ngày càng nhỏ cho đến không có lợi nhuận, tháp sụp đổ để lại những người ở dưới đáy các khoản lỗ lớn nhất
Với cách thức hoạt động của đa cấp hợp pháp thì người tham gia bán sản phẩm cho những người ngoài mạng lưới (theo giá lẻ) và tuyển mộ người khác vào mạng lưới (theo giá sỉ), còn kinh doanh theo hình “tháp ảo” thì không bán hàng, chỉ mời người vào mạng lưới và điều kiện tham gia là buộc phải mua 1 bộ sản phẩm hoặc nộp một số tiền nhất định.
Với mô hình hình tháp ảo này, lợi nhuận sẽ được tính theo cấp, cấp càng cao, lợi nhuận càng lớn. Những người khởi xướng và phát động hệ thống sẽ nằm ở đỉnh tháp, lợi dụng những thành viên bên dưới ở đáy tháp. Và vì vậy, những người vào sau thường khó có cơ hội bứt phá để vượt lên người trước, dù doanh số bán hàng có cao.
Chiêu thức tâm lý lôi kéo
- Lợi dụng khao khát thành công, cải thiện cuộc sống: nạn nhân được tiếp xúc với những người khởi nghiệp thành công từ hai bàn tay trắng, nhưng sự thật đằng sau chẳng có thành công nào cả. Thúc đẩy tâm lý tò mò, gây dựng niềm tin “Tôi làm được, và bạn cũng thế”, nhiều sinh viên nhẹ dạ cả tin sẵn sàng đánh đổi để được như họ.
- Đánh vào lòng tham: việc nhẹ nhưng lương cao, vẽ nên một cuộc sống trong mơ, giàu có ngay khi còn đi học.
- ”Hội trường là 1 sân khấu lớn”: là nơi các doanh nhân thể hiện đẳng cấp nghệ sĩ; tổ chức các buổi hội thảo trá hình, vỗ tay nồng nhiệt, buổi gặp mặt trao thưởng, team-building kết nối với hàng trăm người tham gia khác, truyền cảm hứng và động lực, thổi hồn vào những câu chuyện cảm động dẫn dắt nhà đầu tư.
Có thể bạn chưa biết: Màu đỏ sẽ là màu sắc chủ đạo của các buổi hội thảo gặp mặt này. Từ background sân khấu, ghế ngồi, thảm trải… tất tần tật sẽ được trang trí bởi sắc đỏ. Bởi lẽ đỏ được coi là màu của sự quyết định, của sự quyết tâm và màu của sự quyết đoán. Sức mạnh mẽ và hiệu ứng tâm lý của sắc đỏ kích thích các nạn nhân dễ dàng hành động vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bản thân mình
- Các nhà đầu tư tiềm năng tham gia các hội thảo cùng những sự kiện, trò chơi thâu đêm suốt sáng, khẩu hiệu hô hào với tính chất thôi miên cường độ cao như: “Những người có đam mê, những người nhiệt tình, những người chăm chỉ làm việc hết mình sẽ được đền đáp”… Những câu nói này không sai, nên đừng đánh giá thấp giá trị của chúng, chỉ là nó xuất phát từ sai người và sai chỗ.
Người tham gia bắt đầu mất đi sự tỉnh táo thường có, bước đầu tiếp nhận thông tin, dần dần vượt ra qua rào cản của bản thân và từ đó tư duy đám đông được hình thành.
- Bán giấc mơ đổi đời: xây dựng niềm tin “TÔI THÀNH CÔNG VÌ TÔI Ở LẠI”. Sau khi đã làm quen được với tập thể, người tham gia càng dễ bị sập bẫy hơn bởi lẽ lừa hàng trăm người luôn dễ hơn lừa một cá nhân. Đây chính là biểu hiện rõ ràng nhất của tâm lý đám đông. Lúc này họ sẽ bị xuôi theo dòng nước mặc dù đôi khi muốn chống lại nhưng cả đám đông nói là mua hàng thì họ cũng khó mà ngần ngại để không rút ví.
- Lúc vỡ lẽ thì không có cách nào rút chân ra, chẳng còn bước nào khác ngoài tiếp tục lấn sâu để gỡ gạc tiền của mình. Vòng xoáy “người trước lừa người sau”, sinh viên vừa là nạn nhân nhưng là phạm nhân đẩy nhiều cá nhân khác đi vào ngõ cụt của lừa đảo tài chính.
Tập trung khai thác nhóm Sinh viên
Những thành viên các công ty đa cấp bất chính thường dùng nhiều cách để thu hút nhóm đối tượng chính là Sinh viên vào tròng, dựa trên những đặc điểm sau:
- Chơi vơi, chênh vênh khi bước vào đại học: cô đơn giữa môi trường mới nên cần tìm những hội/nhóm để nương tựa, làm quen.
- Thiếu lý tưởng, mục tiêu sống cụ thể: tương lai mịt mờ, không biết làm gì tiếp theo cho nên làm giàu đơn giản mà nhanh là một cái phao cứu cánh để sinh viên bám vào.
- Muốn chứng tỏ giá trị bản thân: sinh viên luôn mang nhiều ước mơ và hoài bão chính vì vậy mà những kẻ lừa đảo đã tạo nên “ảo tưởng giả” để lợi dụng khao khát được khẳng định cá nhân. Bởi chỉ có giàu, đầy đủ vật chất ngay từ khi còn trẻ chính là thước đo thành công của phụ huynh, gia đình và xã hội.
Qua những phân tích bên trên tôi muốn tạo ra bức tranh hai mảng sáng – tối của mô hình kinh doanh đa cấp để bạn có cái nhìn thực tế, khách quan và công bằng hơn cho mô hình này. Và cũng vì thế, trên blog của mình, khi tôi khai thác về đề tài MLM nghĩa là tôi đang nói về đa cấp chính thống, nói về những con người, những câu chuyện về Network Marketing chân chính bạn nhé.
Với những ưu điểm nổi bật, chúng ta đâu thể biết được, nhỡ đâu đây là phương tiện tài chính ta lựa chọn để hiện thực hoá những ước mơ trong đời ta thì sao?!