Khi nói về “Thơ”, hẳn đại đa số người nghe sẽ không thấy liên quan gì đến mình, nhưng nếu dùng một cách nói khác, chẳng hạn như “một buổi triển lãm thơ, triển lãm nghệ thuật ngôn từ” chắc bạn sẽ phải khựng lại vài giây, muốn nghe lại lần nữa, có nhiều suy nghĩ về điều đó. Trước nay tôi vốn dĩ là người thích đọc những vần thơ dồi dào cảm xúc chứ không nghĩ nhiều về tính ứng dụng của thơ.
Mãi cho đến khi vô tình đọc được câu chuyện thực hành thơ của Nam Thi và đến buổi triển lãm Thơ đặc biệt này…
Vần thơ – dấu ấn tuổi thơ của cuộc đời
Giai đoạn năm 3 tuổi tôi may mắn được ở cùng Dì – lúc ấy là sinh viên khoa Ngữ văn, sau này là giáo viên dạy văn. Một năm ở cùng Dì, tôi thuộc làu mấy trăm câu Kiều, đọc vanh vách những bài thơ xuất hiện trong các bộ phim thời đó.
“Tình yêu đầu ngây thơ chân thực
Có thể nào sống lại với ta
Như biển sâu tình khiến ta đau khổ
Tháng năm trôi mái tóc đã điểm sương
Dứt ko được hình em trong tâm khảm
Đừng bỏ đi hạnh phúc của ngày mai
Đời vô tình là điều cam go nhất
Đừng chờ đợi tháng năm quay đầu lại
Dứt không ra nỗi đau khổ tình đời
Đừng nhẫn nại vì mối tình xưa nữa
Hoa nở xuân về mà tình đã ra đi
Để tim ta vấn vương bụi trần thế.”
-Tần Thuỷ Hoàng-
Những năm phổ thông, tôi học văn cũng khá tốt, đến giờ thì nghiệp Viết vẫn luôn dịu dàng ấp ôm, nâng đỡ tâm hồn và cho tôi rất nhiều thứ. Tôi không nghĩ nhiều về lý do vì đâu mình có thể Viết, mãi cho đến khi làm sinh trắc vân tay, kết quả là khả năng ngôn ngữ cũng được xếp vào nhóm tốt. Lý giải cho điều này là nhờ những tích luỹ trong quá khứ, được tiếp xúc với ngôn từ những năm đầu đời, đến khi biết nhận thức thì những câu từ ấy đã nằm sâu trong tiềm thức, lúc thích hợp sẽ được khơi thông và thể hiện ra bên ngoài.
Vậy mới thấy giáo dục và định hướng cho con trẻ từ sớm là điều cực kì quan trọng, điều này có thể tôi sẽ viết về khi cơ duyên đến.
Từ khi cuộc sống đỡ chèn ép hơn, đầu óc thong thả hơn, tôi dành nhiều thời gian đọc và thưởng thơ. Va chạm đầu tiên là những câu thơ giản dị nhưng có tính khơi gợi cảm xúc cao của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, nếu biết câu chuyện của anh này hẳn bạn sẽ càng rung cảm nhiều hơn nữa. Chỉ tiếc là anh mệnh bạc.
“Ta bên nhau trên phố của bao người
Bao ân tình vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố!
Có một người lắng phố, bên em.”
Và còn nhiều nữa những câu thơ của chị Nguyễn Thiên Ngân, anh Nguyễn Phong Việt làm tôi mê đắm đuối, cứ đọc đi đọc lại đến thuộc lòng.
Tôi đã nghĩ, Thơ sẽ mãi chỉ dừng lại ở riêng mỗi cá nhân như thế nếu như không có một ai đó tìm cách nâng thơ lên và lan toả thơ nhiều hơn.
Triển lãm Thơ với đa giác quan, một nơi thưởng lãm nghệ thuật tôi mới dự lần đầu
Đầu năm nay tôi vô tình đọc được bài viết về nhà thơ trẻ Nam Thi nói về câu chuyện bạn ấy phối hợp cùng các nhãn hàng lớn như Chanel, Bitis để làm những dự án truyền thông lớn.
Là một người luôn đứng từ xa để nhìn ngắm thơ, tôi đã rất ngạc nhiên và vui mừng. Vì đâu đó thơ đã dần thể hiện được tính ứng dụng và mở ra nhiều hướng đi cho những người đang làm thơ, những người thực hành thơ – như cách Nam Thi vẫn hay tự gọi bản thân.
Vậy nên đến khi các Sếp bên Sun Life có ý tưởng thực hiện những dự án nghệ thuật, có riêng một triển lãm cho Thơ, tôi đã không ngần ngại propose Nam Thi và những nhà thơ mình yêu mến như chị Thiên Ngân, anh Phong Việt. Chỉ từ chiếc proposal sơ khởi ban đầu ấy, dần được các anh chị trong team phát triển lên cho đến khi nên hình hài của một buổi triển lãm hoành tráng.
Điều tôi thấy may mắn và cảm kích chính là các Sếp đã cam kết đi được từ bước đầu đến lúc sự kiện kết thúc tốt đẹp, tức là từ lúc thai nghén ý tưởng cho đến khi nên hình hài trọn vẹn. Những sự kiện này là phi lợi nhuận và không liên quan đến doanh số. Đó được tạo ra chủ yếu từ sự yêu mến nghệ thuật và sẵn sàng bao chi để đại bộ phận người dân được đến xem miễn phí; để các nhà Thơ có nơi gặp gỡ những ai quan tâm xen lẫn tò mò, và để Thơ được chạm nhiều hơn với số đông công chúng, và biết đâu được, một ngày nào đó Thơ cũng giống Rap, từ rất “kén” trở nên rất “nổi”, thì sao?!
Bước những bước chân đầu tiên đến cửa triển lãm là cảm giác choáng ngợp, bởi sự công phu và hoành tráng, có phần nhỉnh hơn cả event Light Festival – Lễ hội Ánh sáng trước đó.
Vào sâu bên trong là khu vực trưng bày của 5 nhà Thơ với phong cách độc lập, tác động đến tất cả giác quan của những người đến thưởng lãm.
Thơ lúc này không còn dừng lại trên những tập giấy nép mình một góc, mà có thể xuất hiện dưới bóng nước, treo trên tường, nằm trong kén hay có thể trôi lơ lửng giữa không trung.
Khả năng miêu tả của tôi đâu đó lột tả chưa tới 20% sự sống động, những buổi triển lãm thế này bạn nên dành thời gian “nhìn tận mắt, sờ tận tay” thì may ra mới thoả lòng.
Nhờ đến buổi triển lãm mà tôi có cơ hội biết đến nhà thơ Ngô Thị Hạnh (sự thiếu xót này là lỗi của tôi), được nghe chị diễn thơ trên nền nhạc guita, chị hiền lành và dung dị như đúng những vần thơ của chị vậy.
Cũng là lần đầu được nghe sự phối trộn nhịp nhàng giữa rapper Táo và những vần thơ của Nam Thi, mới thấy những góc khuất trong mỗi con người là sâu thẳm hun hút khiến người ta cô đơn đến cùng cực.
Là lần đầu tôi cầm viết, viết lên bức tường chi chít chữ của những người yêu Thơ và yêu những con chữ.
Và còn nhiều nữa những khoảnh khắc trong lòng tôi vang lên những tiếng “wow”, chỉ là tôi giấu đi 🙂
Liệu Thơ đã bắt đầu nương theo dòng chảy?
Khi internet nở rộ, mọi thứ trong cuộc đời này buộc phải uốn mình thay đổi theo nếu không muốn bị rơi khỏi dòng chảy đó. Thơ, hẳn cũng không ngoại lệ. Rõ là, thời đại thay đổi nên thơ ca cũng phải thay đổi theo. “Thơ ngày nay không chỉ cần vần điệu, nó cần nhiều hơn những chuyển động mang tính đổi mới và tiệm cận với dòng chảy chung của thơ ca thế giới, ví dụ như: nhịp điệu, hình ảnh, cấu trúc, sự đồng cảm” và thậm chí là cả hình thái biểu hiện của Thơ. Để làm chi? Để có thể tiếp cận được với số đông công chúng hơn, đặc biệt là với thế hệ GenZ đầy năng động và khác biệt lớn với các thế hệ trước đó.
Với rất nhiều những gương mặt nhà thơ trẻ xuất hiện, các bạn góp phần đem nhiều phong cách mới vào cách thực hành thơ, giúp thơ trẻ hơn, hiện đại hơn rất nhiều. Chỉ mong rằng mỗi người góp sức để giúp Thơ ở một trạng thái gần gũi hơn và có nhiều điểm chạm với công chúng hơn.
Xin mượn những dòng thơ anh Nguyễn Phong Việt đã viết dành riêng cho triển lãm Thơ “Còn hôm nay, ta còn mãi mãi” để kết thúc bài viết này:
Cảm ơn những yêu thương tìm đến
vào khoảnh khắc chúng ta cần
mỗi hơi ấm góp chút niềm vui xua tan lạnh giá
cuộc đời dẫu có thân quen hay đôi lần xa lạ
thì chúng ta đều đã
chung nhân dáng con người…
Cảm ơn từng hơi thở
vẫn nối tiếp nhau
bền bỉ dưới bầu trời!
Trích Cảm ơn một hơi thở, Nguyễn Phong Việt
Be Gentle,
Love.