Dù công việc bạn thuộc mảng nào của Marketing, từ viết nội dung hay lập kế hoạch, hẳn không thể thiếu công đoạn tìm kiếm thông tin để đưa vào sử dụng hoặc để làm căn cứ ra quyết định. “Ngày xưa đọc báo để lấy kiến thức, nay phải có kiến thức mới đọc được báo”. Bởi vì ngày nay chúng ta đang ngụp lặn trong lượng thông tin kiến thức khổng lồ. Nếu không đủ tỉnh táo, không đủ năng lực phán đoán và không có tiêu chuẩn làm căn cứ, thì chắc chắn lượng thông tin ấy sẽ nhấn chìm chúng ta.
Bài viết hôm nay sẽ tập trung cung cấp cho bạn 6 tiêu chí có thể xem là chìa khoá giúp bạn tự mình đánh giá và kiểm định chất lượng nguồn thông tin trước khi sử dụng.
1. Tính đúng đắn của thông tin (Accuracy)
Khi tiếp cận bất kì nguồn thông tin nào, việc đầu tiên cần làm là đặt câu hỏi phản biện để chính mình tự tìm cách đối chứng thông tin đó:
- Các thông tin có thể được kiểm chứng từ những nguồn độc lập đáng tin cậy không?
- Các kết luận, nhận định có căn cứ trên các báo cáo, dẫn chứng đáng tin cậy không?
- Đâu là bằng chứng để bạn ủng hộ hay phản đối nội dung bạn vừa tìm thấy?
Phần việc quan trọng để đánh giá tính đúng đắn của thông tin là chúng ta cần xét đến tính thống nhất của thông tin đó: thông tin có rõ ràng, logic không.
Đối với các bạn phụ trách công việc viết nội dung (content writer), khối lượng công việc khá nhiều, đa dạng chủ đề, không phải chủ đề nào người viết cũng đều có kiến thức. Vì thế mà “muốn biết thì hỏi Google” trở thành cứu cánh tuyệt vời của bạn. Đây là thói quen tốt, bởi thể hiện sự chủ động của bạn trong công việc.
Thông thường thì khi có bất cứ câu trả lời nào được trả về, chúng thường nhấp vào những kết quả trên cùng để đọc và lấy thông tin. Tuy nhiên bạn đừng quên là, thứ hạng trên Google được xếp theo quy luật và cách xếp hạng của SEO. Điều này đồng nghĩa với việc, không phải vị trí nằm càng trên cao càng bảo chứng cho độ chính xác của thông tin, các khái niệm này độc lập nhau bạn nhé. Thế thì cùng đến tiêu chuẩn thứ 2 để có thêm căn cứ đánh gía nguồn thông tin.
2. Tính thẩm quyền (Authority)
Nguồn thông tin có tính thẩm quyền ở đây không phải liên quan đến Nhà nước hay Chính quyền, hay đơn vị được cấp quyền nào đó. Tính thẩm quyền thể hiện ở chỗ:
- Người cung cấp thông tin có được năng lực, kiến thức, kinh nghiệm để thông báo thông tin đó
- Nếu đọc các tài liệu trên internet thì cần xem nhà xuất bản đó có uy tín hay không. Ví dụ tên miền một website rất lạ (nhipsongthanhnien.com) thì rõ là chất lượng nguồn thông tin không đáng tin cậy như các báo có uy tín Tuổi Trẻ, Dân Trí, VNExpress…
Vậy lý do vì sao bạn cần ưu tiên dùng thông tin từ các thương hiệu báo đài vừa kể?
Như có nói ở mục 1, thứ tự trên Google theo chuẩn SEO nên bất kì website nào hiểu và làm theo, thoả các tiêu chí đó đều có thể đứng ở thứ hạng cao. Các nội dung ấy có thể có hoặc không sự kiểm duyệt, bảo chứng từ bất kì ai, bất kì cơ quan nào. Nghĩa là cả tính đúng đắn và tính thẩm quyền đều cần lưu ý.
Ngược lại, những nhà xuất bản lớn đều có quy trình xuất bản, được kiểm duyệt nghiêm ngặt; tư duy khi cung cấp thông tin không đứng ở tư cách cá nhân nên hạn chế tối đa sự phiến diện và chủ quan. Thêm vào đó, các nhà xuất bản này có những tác giả là người có chuyên môn trong lĩnh vực họ phụ trách, họ rất thận trọng, luôn đối chiếu, kiểm chứng trước khi phát hành.
- Nếu là các bài nghiên cứu khoa học thì được công bố bởi trường Đại học nào? Viện trường nào? Tác giả có bề dày kinh nghiệm ở lĩnh vực liên quan ra sao?
3. Tính cập nhật (Update)
- Thông tin được công bố khi nào: ngày giờ xuất bản của thông tin đó?
- Các thông tin này có được cập nhật tính đến thời điểm hiện tại không?
Mục 3 này tương đối dễ hiểu, bởi nội dung đúng và có người kiểm chứng là một chuyện, nhưng nội dung ấy có từ bao giờ và giá trị đến bao giờ là yếu tố then chốt quyết định bạn có nên dùng hay không. Có nhiều thông tin mang tính thời sự thì yếu tố cập nhật cần được đưa lên xem xét trước nhất.
4. Tính khách quan (Objectivity)
Ngày nay, khi môi trường internet quá thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin. Ai cũng có thể lập ra một địa chỉ website, có thể chia sẻ và đưa ý kiến, thậm chí tự xưng là “chuyên gia” và đánh giá mọi thứ. Vậy để cân nhắc xem có nên tin tưởng, lựa chọn đọc thông tin của một ai đó, chúng ta có thể đặt ra các câu hỏi sau:
- Tác giả có cởi mở với các quan điểm đối lập hay không?
Điều này thể hiện khá rõ khi một nhóm người nhận xét về một nghệ sỹ nào đó. Nếu họ thích thì sẽ chỉ toàn khen, nhưng nếu đã không thích thì chỉ tập trung toàn chê và chê. Trong trường hợp này thông tin không có tính khách quan vì đã phớt lờ đi mặt còn lại của một vấn đề.
- Tác giả có cố lái người đọc theo quan điểm của bản thân không?
- Đây là thông tin có được sau một quá trình trải nghiệm, nghiên cứu hay là quan điểm cá nhân.
Trường hợp này chúng ta thấy rõ nhất ở chia sẻ về các nội dung quảng cáo thuốc giảm cân hoặc một số hãng mỹ phẩm. Họ sẽ có những web, blog không dùng tên thương hiệu, họ chia sẻ rất nhiều case trở nên xinh đẹp lột xác, ốm đi hoặc hết mụn, kèm câu chuyện và hình ảnh vô cùng thuyết phục. Đến cuối cùng nhân vật trong câu chuyện sẽ giới thiệu “mình đã sử dụng sản phẩm abc của công ty xyz nên mới được như vậy”. Trên website này hoàn toàn không dùng tên miền là tên thương hiệu, cũng không giới thiệu gì về thương hiệu, mọi thông tin vô cùng tự nhiên và độc lập… và thế là bạn hoàn toàn tin tưởng.
Sự thật là các thương hiệu này đứng ở ngôi thứ 3 để kể chuyện, có vẻ như rất khách quan nhưng thật chất đang dẫn dắt người đọc theo hướng thương hiệu muốn.
5. Tính liên quan (Relevancy)
- Các thông tin này có liên quan hay phục vụ cho quá trình nghiên cứu của bạn?
- Bạn có thể sử dụng các thông tin này như thế nào để phục cho công việc của bản thân?
Hẳn với người viết chúng ta, không ít lần mải mê tìm kiếm thông tin để phục vụ cho ý A ban đầu, ta bị dẫn dắt đến ý B, ý C lúc nào không biết. Tuy nhiên vì thấy nội dung B, C hay, luận điểm đa dạng, minh hoạ dồi dào mà ta bị cuốn theo mà không thực sự ý thức là có hữu ích và hỗ trợ cho ý A ban đầu hay không?! Hiện tượng này rất dễ xảy ra khi viết các bài dài, bài PR trên 1.000 chữ, lúc này trở thành “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Để hạn chế điều này, bạn neo chủ thể chính của mình về công thức 5W + 1H được trình bày chi tiết tại đây, khi có bất kì thông tin dù hay thế nào nhưng không thuộc 5W + 1H thì bạn nên bỏ qua.
6. Tính nguyên bản (Originality)
- Thông tin có mang tính nguyên bản không, có bị “tam sao thất bản” không?
- Có phải do tác giả tự nghiên cứu, công bố hay tổng hợp và trích dẫn lại?
Điều này thường xuất hiện trong các bài viết tổng hợp phân tích, hay các bài đưa ra kết luận từ các khảo sát, nghiên cứu được công bố rộng rãi. Tác giả sau có xu hướng tổng hợp bài của các tác giả trước, rồi để làm cho khác biệt sẽ đưa thêm nhận xét quan điểm cá nhân vào. Nếu các tác giả này viết một cách bài bản, kiểm nghiệm thông tin trước khi xuất bản thì không nói. Nhưng nếu ở bất kì một công đoạn nào làm đại khái, qua loa, thì người đọc thông tin cuối cùng như chúng ta có thể đang dùng một phiên bản sai khác khá xa so với phiên bản gốc.
giúp bạn nâng cao năng lực học tập, làm việc và tự nghiên cứu
Có thể nói, để hiểu và áp dụng đủ các tiêu chí kể trên không phải đơn giản. Trên thực tế nếu bạn chỉ tiếp cận một thông tin nào đó để giải trí thì không nhất thiết dùng đủ 6 tiêu chí trên. Tuy nhiên nếu bạn muốn nâng cao năng lực học tập, nghiên cứu và phát triển bản thân… bạn nên luyện tập để có thể sử dụng các tiêu chuẩn trên nhuần nhuyễn.
My Dương
Các bạn có thể dùng các câu hỏi bên dưới để luyện tập:
- Nhìn vào mốc thời gian cập nhật của bất cứ bài viết nào khi bạn bắt đầu đọc một nội dung nào đó
- Nhà xuất bản, các hãng thông tấn cung cấp thông tin đó có uy tín không?
- Thông tin trên bài có thể được kiểm chứng bằng các nguồn độc lập khác không?
- Các thông tin trong bài có logic, có thống nhất, có khách quan không?
Có một số nguồn thông tin đáng tin cậy, xếp theo thứ tự giảm dần bạn có thể tham khảo:
- Báo, Tạp chí Khoa học có qua phản biện kín và được công bố, xuất bản bởi các Nhà xuất bản, trường Đại học uy tín, có quy trình xuất bản nghiêm ngặt
- Sách Giáo khoa, sách tham khảo từ các nhà xuất bản uy tín
- Các cơ sở dữ liệu uy tín của thế giới, thường công bố các thống kê, phân tích, các tổ chức hoạt động độc lập như: World Bank, IMF…
- Các Đề tài Khoa học được nghiên cứu có phản biện kín; các luận án Tiến sĩ.
- Sách từ các nhà xuất bản có uy tín
- Ý kiến chuyên gia
- Báo, tạp chí thời sự, internet, blog cá nhân… có tính chất tham khảo tại từng thời điểm
Từ những kiến thức trên, chúng ta cùng ứng dụng để làm sáng tỏ tình huống sau:
Kiểm chứng thông tin trước khi đưa ra quyết định
Bạn đọc được thông tin một khoá học về Modern PR có nội dung rất hay, lời chào mời rất hấp dẫn từ Trung tâm AiM Academy, cũng vừa đúng với mong muốn của bạn đang tìm kiếm một khoá về Quan hệ Công chúng (PR – Public Relations) để mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
Bạn lên mạng tìm đọc được một chiếc revew của bạn học viên cũ, tốt nghiệp khoá PR vào tháng 3 năm nay. Nội dung review đại ý như: “Chương trình học hay lắm, thầy cô dạy tốt và nhiệt tình, từng nội dung bài giảng đều có giá trị thực tiễn. Mình học xong thì được giới thiệu cơ hội thực tập và sau đó nhận được công việc luôn”. Người học viên cũ này còn đăng hình ảnh nhận chứng chỉ sau khi hoàn thành khoá học vào tháng 3/2021 ở AiM nữa.
Tuy nhiên, cũng có một nội dung khác trên facebook lại thể hiện sự không hài lòng, đánh giá “Khoá học ở trung tâm đó không tốt”. Vậy nếu bạn là người đang tìm hiểu thông tin trước khi quyết định đăng kí và nộp tiền vào AiM thì bạn sẽ như thế nào? Chúng ta hãy áp dụng 6 tiêu chí bên trên để ra quyết định nhé.
Khi đứng trước các thông tin trái chiều, có thể ảnh hưởng việc ra quyết định của bản thân, bạn đừng chỉ đọc lướt qua và tin tuyệt đối, bạn cần đào sâu tìm hiểu thông tin chi tiết hơn. Ví dụ trong trường hợp này bạn có thể inbox chủ nhân của cả hai reviews trên để hỏi những điều mình còn thắc mắc. Chúng ta tạm gọi người A hài lòng, người B không hài lòng.
Với trường hợp của người A có vẻ khá rõ ràng, vì có hình ảnh, người thật việc thật. Tiếp đến là trường hợp B, sau khi trao đổi chi tiết hơn, ta có một số thông tin sau:
“Mình nghe bạn mình nói là bạn của bạn ấy từng học vào năm 2015, học khoá Sáng tạo gì gì đó mà thấy không thích phương pháp học đó cho lắm“.
Từ câu trả lời này ta thấy bạn vi phạm một số nguyên tắc về cung cấp thông tin:
- “nghe nói, bạn của bạn ấy” > Tính thẩm quyền không thoả
- “năm 2015” > tính đến nay cũng 6 năm trôi qua, Tính cập nhật không có
- “khoá Sáng tạo” > bạn quan tâm khoá PR mà đúng không, Tính liên quan cũng không
- “không thích phương pháp” > vậy bạn này đang đưa quan điểm cá nhân chứ không phải nhận xét khách quan trên các tiêu chí đánh giá một khoá học và chất lượng của một trung tâm, Tính khách quan cũng vi phạm.
Có đến 4/6 tiêu chí không thoả như vậy chúng ta không cần cân nhắc nhiều đến luận điểm này.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm cơ sở cho việc chọn lọc thông tin hiệu quả hơn. Kiến thức bài viết có được từ khoá học Critical Thinking của Thinking School.
Tác giả bài viết:
My Dương – Marketer, Trainer & Writer