Với định hướng phát triển sự nghiệp marketing trở thành full stack marketer, bạn có thể thấy tôi không phát triển sự nghiệp theo chữ “I”, tức là không đi đường thẳng, còn chính xác đi theo đường gì thì chắc tôi sẽ nói rõ hơn trong bài tiếp theo.
Tại sao không đi đường thẳng? Không phải đường thẳng luôn là con ngắn nhất để về đích sao?
PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP: TỔNG QUÁT VIÊN
Lần đầu tiên tôi nghe đến cụm từ này là cách đây 2 năm, trùng hợp cùng lúc:
- Đọc được trong cuốn sách Cha giàu Cha nghèo tập 1
- Và một cô bé liên hệ phỏng vấn tôi cho series OnMic CHỦ ĐỘNG SỐNG của em ấy.
Tuy chỉ mới nghe về khái niệm nhưng thật chất con đường sự nghiệp tôi chọn đi đã có hơi hướng này từ những năm 2014 – khi đang làm việc tại Tập đoàn bảo hiểm thứ hai.
cho bạn nào chưa biết:
Generalist hay tổng quát viên là người có kĩ năng, kiến thức và kinh nghiệm tổng quát trên nhiều lĩnh vực. Đối lập với họ là chuyên viên, người có kĩ năng và kiến thức tập trung vào duy nhất một lĩnh vực.
Với nền tảng cũng như thế mạnh là một người học và làm nghề Marketing, tôi quyết định trước khi trở thành tổng quát viên, tôi phải là full stack Marketer trước.
PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP MARKETING: FULL STACK MARKETER
Cụm từ Full stack trong lần đầu tôi nghe thấy và được em trai mình – Dev Op giải thích: những nhân vật đó rất “ghê gớm”, đụng chuyện gì cũng có thể lý giải và xử lý được.
Full stack là thuật ngữ trong ngành lập trình, xuất phát từ cụm full stack developer – những lập trình viên có kiến thức, kỹ năng sâu rộng, đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau chứ không tập trung vào 1 mảng hay 1 chuyên môn nhất định nào đó. Họ có khả năng bao quát mọi thứ về mặt kỹ thuật trong quá trình từ đầu tới khi hoàn thành 1 sản phẩm cụ thể.
Tương tự, Full stack marketing là thuật ngữ lần đầu được đặt ra bởi hai chuyên gia Marcelo Calbucci và Morgan Brown. Thuật ngữ này đề cập đến tất cả kỹ năng, phương pháp cần có của một nhà tiếp thị.
Full stack marketer không cần là chuyên gia ở mọi lĩnh vực nhưng họ sẽ có khả năng hoàn thành công việc một cách trọn vẹn nhất. Họ không chỉ là người có kiến thức tổng quát về lý thuyết mà còn có kinh nghiệm, khả năng thực thi linh hoạt các mảng chức năng của marketing.
Bạn nghĩ điều này có dễ không ạ?
Xin thưa là không. Vì cũng như bao lĩnh vực khác, một cụm từ Marketing thôi nhưng thật ra là cả thế giới mênh mông và biến chuyển không ngừng. Để kinh qua được đủ các chức năng của Marketing, không hề đơn giản.
NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN TRÊN HÀNH TRÌNH SỰ NGHIỆP MARKETING
Từ những năm sinh viên, tôi vô cùng yêu thích hình ảnh một người làm Quan hệ Công chúng, vì nhìn đẹp – sang – và tài giỏi. 😀 <hơi phù phiếm nhỉ>
Thế là khăn gói đi học chứng chỉ Chuyên viên PR chuyên nghiệp rồi may mắn được một thầy, là Head of Marketing của Tập đoàn Bảo hiểm Manulife nhận làm thực tập sinh. Sự nghiệp làm PR tại big corporate bắt đầu từ đó. Nếu theo lộ trình phát triển sự nghiệp thông thường thời bấy giờ, sự nghiệp tôi có thể đi thẳng tắp từ PR Assistant lên Specialist rồi vài năm sau lên Manager chẳng hạn.
Nhưng sau đó, làm ở tập đoàn bảo hiểm thứ hai, bộ phận PR trở thành Brand & Communications theo nhu cầu phát triển chung của công ty. Cũng nhờ thế mà tôi được làm nhiều thứ hơn ngoài PR, được làm chiến dịch về thương hiệu, làm brand guideline, làm truyền thông nội bộ, làm sự kiện, làm 1 mảng nhỏ sơ khai của Digital: fanpage, SEO…
Lúc bấy giờ tôi chưa biết gì về khái niệm phát triển sự nghiệp theo chiều dọc, chiều ngang, cũng chưa biết generalist/ specialist, full stack marketer… chỉ đơn giản nghĩ rằng: mình tuyệt đối không được là ếch ngồi đáy giếng vì còn quá nhiều mảng phải học, phải làm, nên buộc mình phải thích nghi và nắm lấy cơ hội.
CÓ KHÓ KHĂN NÀO VỚI QUYẾT ĐỊNH ẤY KHÔNG?
Có chứ, rất có là đằng khác. Thời điểm 2017 tôi có gần nửa năm trời bỏ việc để suy nghĩ và tìm con đường cho mình. Tôi lãnh bảo hiểm thất nghiệp, dùng hết, dùng sang cả tiền tiết kiệm, với quyết tâm kiên định rời ngành Bảo hiểm Nhân thọ và không bị bó buộc với chữ PR.
Giai đoạn ấy tôi thấy như điểm trũng của cuộc đời, nhưng vài ba năm sau nhìn lại thì cảm kích vì đó là trải nghiệm cần thiết, để có được bài học quý giá chuẩn bị cho những chặng lớn hơn của con đường phát triển sự nghiệp marketing.
Năm 2018 lúc chuẩn bị sang Ý, tôi nhận được đề nghị làm PR Manager cho công ty tài chính khá lớn. Chắc chắn là tôi từ chối dù thấy rõ một điều, nếu đi đường thẳng thì sẽ nhanh leo lên vị trí quản lý hơn, thu nhập chắc chắn cũng cao (sớm) hơn.
Lúc đó, tôi đang đảm nhận vị trí Trưởng nhóm, Mar – Coms team Leader. Nghĩa là level thấp hơn nhưng phạm vi công việc rộng mở hơn. Đúng với định hướng nghề nghiệp của tôi, nên dù không đi Ý thì tôi vẫn ở lại với công việc này.
Tuy nhiên, vẫn luôn có những đấu tranh nội tâm chưa bao giờ ngưng nghỉ trong tôi.
Ai cũng có những phút phải đối thoại với phần còn lại trong chính con người của mình:
- Thấy đồng nghiệp thăng tiến nhanh hơn > xốn xang chứ
- Thấy bạn bè kiếm được nhiều tiền hơn > nôn nóng nữa
- Thấy người khác lo được cho cha cho mẹ nhiều hơn > lại tự trách chính mình
Chưa kể đến tác nhân bên ngoài là sự ái ngại, hạn chế tuyển dụng của Nhân sự lẫn Hiring Manager. Quay ngược thời gian về những năm 2015 đến trước đại dịch, chưa rộ lên khái niệm về nền kinh tế GIG, tổng quát viên… hầu như ai cũng muốn tuyển những người có đúng kinh nghiệm trong lĩnh vực đó, đã có chuyên môn về mảng đó để vào guồng công việc cho nhanh. Chính vì thế, cơ hội cho những người đi ngang như tôi lại càng thêm khó khăn.
NHƯNG,
chỉ có chúng ta mới biết, đâu là mục tiêu của mình và kiên định cho điều ấy. Và nếu có khó khăn mà từ bỏ, thì quá dễ dàng. Tôi không được sinh ra để làm điều dễ dàng.
ĐỘNG LỰC NÀO GIÚP TÔI KHÔNG TỪ BỎ PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP MARKETING
Những lúc đứng giữa các sự lựa chọn hay khi bị thử thách quá nhiều, chắc chắn tôi có đôi lần dao động, muốn thoả hiệp với chính mình, rằng: thôi, “nhận làm PR Manager hay Coms Manager cũng ngon mà”. Những lúc như thế, bạn cần có thứ để vịn vào. Tôi chọn vịn vào sứ mệnh mình đã đặt ra và những giá trị cốt lõi mình muốn gìn giữ.
Trở thành một người đào tạo, giảng dạy:
Tôi muốn mình trao nhiều giá trị hơn cho những thế hệ học viên sau mình, nếu tôi không làm nghề, không kinh qua các vị trí công việc thì lấy chất liệu đâu để giảng dạy và đủ bề rộng để định hướng nghề nghiệp cho các em ấy?!
Bản thân lại là người cầu toàn, khi chưa chắn chắn điều gì, nhất là khi điều ấy ảnh hưởng đến người khác, tôi sẽ không làm.
Cung cấp dịch vụ, tư vấn cho khách hàng:
Làm truyền thông marketing ở các tập đoàn có nhiều ngân sách, chúng tôi chỉ làm về Outbound marketing, nói đơn giản là có rất nhiều tiền để tiêu. Nhưng tại Việt Nam, lượng Doanh nghiệp vừa, nhỏ thậm chí tự thân lại chiếm 95% thị phần, tức là phải có cách làm marketing khác cho nhóm này chứ. Tôi tự mình học và làm, ứng dụng cho các dự án của mình cách làm Inbound marketing.
Nếu không tự trang bị kiến thức này, tôi không thể nào đi tư vấn, đào tạo hay đưa ra giải pháp cho nhóm Doanh nghiệp SMEs được cả, vì họ làm gì có ngân sách nhiều để đổ tiền tỉ vào billboard, TVC, quảng cáo tài trợ, làm CSR như các tập đoàn lớn?!
Đa dạng bộ skill sets giúp phát triển sự nghiệp marketing:
Trong thị trường việc làm luôn biến động và thay đổi nhanh chóng này, chỉ ai có thể trang bị đa dạng và cập nhật nhanh chóng kĩ năng làm việc may ra mới không bị đá văng khỏi đường đua.
Nếu chỉ ôm khư khư kĩ năng viết báo khi làm PR, làm sao tôi có thể viết content khi có khách hàng cần cho những nội dung trên nền tảng số?!
Thế thì việc định hướng trở thành full stack marketer buộc tôi phải liên tục cập nhật và học những bộ kĩ năng mới để đáp ứng những mảng công việc khác nhau dưới tên gọi chung là “Marketing”.
Đa dạng sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai từ Full stack marketer
Nếu tôi yên vị ở một vị trí thảnh thơi (tạm thời), thì những năm sau sẽ ra sao? Được bao lâu? Nhu cầu tuyển dụng vị trí ấy trong tương lai có cao không? Hay có thể bị cắt giảm/ gộp vào các phòng ban khác trong bối cảnh các tập đoàn, doanh nghiệp đua nhau tái cấu trúc để tối ưu phần lợi nhuận.
Bài viết chuyên sâu cho mục này sẽ sớm xuất bản để bạn có nhiều gợi ý hơn cho sự phát triển nghề nghiệp của mình.
Thế thì, nếu muốn trở thành tổng quát viên hay full stack trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần:
- Chuẩn bị kiến thức nền thật vững
- Lựa chọn chuyên môn mũi nhọn làm thế mạnh
- Phát triển ra những mảng liên quan
- Cứ liên tục đào rộng và đào sâu, rồi tiếp tục đào rộng, đào sâu.
Trong hành trình ấy, nếu bạn cần người hướng dẫn, giảng dạy và định hướng công việc về Marketing để có thể đi đúng và đi nhanh hơn, đừng quên liên hệ với tôi nhé.
Hình ảnh trong bài viết từ sự kiện: Talkshow “Quản trị marketing cho khách hàng Gen Z“ tại trường Đại học Kinh tế Tài chính do tôi làm diễn giả chính, chia sẻ về thế giới marketing rộng lớn và những lối đi cho các em.
Bài viết hưởng ứng series 200 ngày viết của nhóm OWD.
Ngày 1: KHÓ KHĂN MÀ TỪ BỎ THÌ DỄ QUÁ
Mình đã đọc phát biểu của bác thủ tướng Nhật, đại ý là “Việc từ bỏ, không tổ chức Olympic thì quá đơn giản nhưng chính phủ được thành lập ra là để vượt qua những thách thức“. Do đó, Nhật vẫn tiếp tục tổ chức Olympic dù sẽ phải đối mặt với những thách thức có thể nói là chưa bao giờ có trong kịch bản.
Tự dưng mình nghĩ tới chuyện viết lách. Ừ, ai mà chẳng thấy viết là khó khăn. Nhưng khó khăn mà từ bỏ thì dễ quá, sức mạnh nội tại của chúng ta để làm gì? Đôi khi suy nghĩ mình không làm được mới chính là rào cản, không phải ở bản chất của sự việc.
Be Gentle,
Love.