Hẳn các bạn sẽ không phản đối nếu mình nói rằng: việc gì cũng vậy, bước khởi đầu luôn là bước khó khăn nhất. Giống như việc bạn cố gắng đẩy cho một bánh đà lăn, giai đoạn đầu sẽ vô cùng chật vật. Thậm chí bạn không thấy bất kì động tĩnh nào của sự dịch chuyển trong thời gian dài. Nhưng hãy yên tâm rằng, một khi xoay được vòng 1, vòng 2, theo quán tính, bánh đà sẽ xoay tít không ngừng. Việc viết của bản thân mỗi người cũng như làm sao cho bánh đà xoay tít. Hôm nay chúng ta sẽ nói về việc làm sao để những người mới, hoặc những người không mới nhưng chưa tạo dựng được thói quen có thể ngồi vào bàn để viết mỗi ngày.
Mục tiêu cụ thể – Yếu tố quan trọng để bạn có thể Viết mỗi ngày
Trong suốt những bài nói chuyện, bài giảng cho sinh viên, mình luôn bắt đầu bằng câu hỏi “Em muốn làm việc này nhằm mục đích gì?” hay “Vì sao nhóm em lại đề xuất dùng phương án này?”. Tựu chung lại đều để các em ấy xác định rõ Objectives/ mục tiêu khi muốn làm một điều gì đó.
Việc rèn luyện thói quen viết mỗi ngày cũng vậy thôi. Bạn phải hỏi chính mình “Vì sao tôi cần phải viết?”. Nếu chỉ đơn giản là viết thơ thẩn hoặc thấy thiên hạ viết thì mình viết, vậy rất khó để bạn thoát ra khỏi chăn ấm nệm êm để ngồi vào bàn viết một điều gì đó.
Bạn cần xác định: Vì sao tôi phải viết?
- Cần hoàn thành dự án cho khách hàng theo đúng deadline.
- Cần đạt 15 bài blog đầu tiên trong tháng 8
- Cần hoàn thành post social 2 tuần tiếp theo để trình Sếp trước ngày…
- Cần làm thương hiệu cá nhân thông qua viết lách, kiếm được khách hàng đầu tiên sau 2 tháng sản xuất nội dung…
Gì cũng được, miễn là cụ thể hoá những mục tiêu của bản thân. Ví dụ như mình, liên quan đến công việc và sự nghiệp viết lách:
- Mình có mục tiêu năm chia đều cho việc sản xuất bài chia sẻ, giảng dạy, hoàn thành sản phẩm, tạo ra thu nhập… tất cả đều gắn với những con số cụ thể
- Để hoàn thành mục tiêu lớn của năm thì mỗi quý cần làm gì? mỗi tháng cần làm gì?
- Sau đó mình tracking/ theo dõi bằng lịch tháng, tuần
- Rồi chia nhỏ những đầu mục công việc theo ngày: viết 1 bài blog, điều chỉnh nội dung để tạo ra nội dung cho Facebook, IG post; chọn nội dung phù hợp chia sẻ vào group Phát triển nghề viết chẳng hạn.
Trong trường hợp các bạn là manh chiếu mới, bạn có thể bắt đầu đặt mục theo tháng để đỡ ngộp. Từ mục tiêu tháng, các bạn biết là để hoàn thành được mục tiêu đó thì mỗi tuần cần làm gì, rồi sau đó chẻ nhỏ ra theo ngày. Ví dụ 1 tháng cần hoàn thành 15 bài blog thì cứ 1 ngày viết bài, 1 ngày làm hình, đăng web và tối ưu nội dung post lên các nền tảng social khác. Giờ thì mục tiêu ngồi vào bàn viết mỗi ngày của bạn rất cụ thể: hoặc là 1 bài hoặc là làm hình ảnh, xử lý bài viết.
Nếu không biết mình cần đi đâu, lang thang vô định thì đồng nghĩa bạn có đi hay không cũng không khác nhau gì mấy. Tuy nhiên khi biết điểm đến cụ thể, bạn sẽ dễ dàng lên lộ trình cần đi qua những đâu để đến được nơi cần.
My Dương.
Tự tạo cảm hứng để có thể ngồi vào bàn, mở máy tính lên
Chúng ta thường lấy cớ “không có hứng làm” để thả trôi một việc gì đó. Nhất là với công việc viết lách, việc mà hầu hết chúng ta nghĩ liên quan đến cảm xúc, nếu cứ ép phải ngồi vào khi không có cảm xúc thì sao viết nỗi. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại các bạn ạ.
Như cuốn Để trở thành người viết của tác giả Travis Elborough, Helen Gordon cắt lát những câu chuyện thực tế từ những tác giả nổi tiếng như Haruki Murakami, Oscar Wilde, J.K. Rowling, Ernest Hemingway. Những tên tuổi này không phải cứ ngồi vào bàn là chữ tuông như suối nguồn tươi trẻ. “Họ cũng thường xuyên bí ý tưởng, cũng ngồi đờ đẫn hàng giờ trước trang giấy trắng hoặc màn hình máy tính” mà không viết được gì.
Vậy có phải hứng thú là điều giúp họ có thể tạo ra những tác phẩm để đời không? Không phải đâu các bạn, mà đó chính là thói quen/ routine cứ đúng giờ đó là ngồi vào bàn, mở máy lên để bắt đầu công việc. Những chữ đầu tiên có thể rất khó nhọc, nhưng hãy dũng cảm bắt đầu. Nếu chưa biết viết gì bạn cứ lên danh sách những hướng nội dung mình sẽ viết, rồi chia nhỏ thành các topic/ chủ đề, có topic rồi thì chia ra angle/ góc nhìn. Mỗi ngày chọn những angle thích nhất để làm sườn. Một khi có sườn bài thì đắp dần nội dung vào. Có nội dung thô rồi trau chuốt biên tập dần.
“Hứng thú không phải đến trước khi bắt đầu làm việc mà nó đến sau đó” – Hiếu TV, Chiến thắng sự trì hoãn.
Mình gợi ý cho bạn mẹo để tập luyện cho bản thân, bạn có thể tìm hứng thú từ những điều nho nhỏ vui vui. Với mình thì việc dậy sớm, pha một bình trà theo tâm trạng mỗi ngày, đốt ly nến thơm cũng làm cho mình vui vẻ, có thêm động lực ngồi làm việc. Tưởng tượng nhé, mình bắt đầu một ngày bằng ly trà ấm, thoang thoảng hương nến vani dịu nhẹ, lúc này ngồi vào bàn viết mỗi ngày giống như một phần thưởng hơn là một công việc bắt buộc phải làm.
Đó là niềm vui và cách bắt đầu của mình, bạn cũng nên tìm cho bản thân điều gì giúp bạn vui nhất, thoải mái nhất thì hãy bắt đầu với nó. Đây là cách chúng ta tra dầu vào bánh răng của mình, để việc vận hành sau đó dễ dàng và trơn tru hơn.
Môi trường xung quanh có thể thúc đẩy hoặc kéo lùi bạn
“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” luôn đúng các bạn ạ. Trong trường hợp này không hẳn là “mực” nhưng đó có thể là những thứ khiến bạn dễ xao nhãng, trật khỏi đường ray mà bạn đang muốn bánh đà của mình vận hành.
Để mình cụ thể xíu, nếu như bạn muốn trở thành người viết, hoặc tối thiểu là có được thói quen viết đều đặn hơn, bạn buộc lòng phải tăng tỉ lệ thời gian và mọi yếu tố xung quanh bản thân tiếp xúc liên quan đến viết. Điều này đồng nghĩ bạn phải chấp nhận bỏ qua hoặc bỏ bớt những thứ không liên quan.
Bạn không thể thúc bản thân viết mỗi ngày nếu xung quanh bạn toàn những thứ hoặc những người tuy hấp dẫn nhưng không giúp ích gì cho mục tiêu bạn đang nhắm đến. Dễ thấy nhất là trên tường facebook nhà bạn, thử cuộn new feed xem nội dung nào đang chiếm áp đảo nhé. Bạn muốn rèn luyện việc viết lách, thì feed của bạn nên là những người viết có thâm niên thành tựu với nghề, những group cộng đồng viết lách chia sẻ kiến thức, nhắc nhở truyền động lực nhau mỗi ngày. Còn nếu toàn là những trang tin tức lá cải, mua sắm, nước hoa, áo quần, giày dép, giải trí…thì thua rồi đó.
Chúng ta đều là những con người yếu đuối, dễ sa ngã. Nếu xung quanh toàn những thứ dung túng cho thói quen không bổ ích, chẳng mấy chốc chính nó sẽ nhấn chìm bạn trong sự dễ chịu khi bạn còn chưa kịp làm gì cho mục tiêu của bản thân cả.
Là một người vừa viết vừa giảng dạy mình luôn buộc bản thân phải vận động và cập nhật liên tục. Mình sẽ điều chỉnh mọi thứ xung quanh cho phù hợp nhất với mục tiêu mình đặt ra trong giai đoạn đó.
- Nếu quý 1, 2 cần giảng dạy nhiều lớp về Marketing, PR cho sinh viên, học viên, feed của mình sẽ ưu tiên những cập nhật kiến thức về marketing, quảng cáo, báo cáo số liệu mới từ các page như Brandsvietnam, Advertising Vietnam, Cuộc sống agency…
- Nhưng nếu sang quý 3, 4 mình cần tập trung vào “Viết”, mình sẽ ưu tiên “see first” những nhân vật có style viết hoặc hình mẫu mình hướng đến để học từ họ ít nhiều, ví dụ như chị Linh Phan, em Vi Trần. Hay những groups, những page liên quan đến viết lách như Phát triển Nghề viết, Ngày ngày viết chữ chẳng hạn.
- Lưu ý ở đây là không cần quá nhiều vì dễ khiến bạn bị bội thực. Bạn nên lựa chọn 2,3 người hoặc nhóm nào khiến bạn thấy cảm tình nhất, dễ chịu nhất khi tương tác để “follow”, như vậy thì những kiến thức, thông tin đến với bạn mỗi ngày sẽ nhẹ nhàng, không gượng ép.
Sự kiên trì để Viết mỗi ngày
Khi đã có được mục tiêu cụ thể, có nguồn cảm hứng và động lực viết, giờ là lúc cần “thúc” bản thân nhiều hơn để biến tất cả những điều ấy thành một phần cuộc sống mỗi ngày của bạn.
Bạn nghĩ yếu tố nào quan trọng nhất phía sau một thành công?
Thông minh xuất chúng? Năng lực vượt trội? Bản lĩnh dám nghĩ dám làm? May mắn? Tầm nhìn và tư duy chiến lược?
Rất nhiều, nhưng có một yếu tố là điểm chung cho tất cả các mẫu hình thành công, và cũng là yếu tố quan trọng nhất không thể thiếu. Đó chính là “TÍNH KIÊN ĐỊNH” – persistent. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta đang nói đến việc thành công tạo dựng thói quen viết mỗi ngày, viết cho đến khi đạt được những mục tiêu như ta mong muốn.
Bản thân mình đã làm rất nhiều công việc, có việc tạo ra thành quả được công nhận, có việc gãy gánh giữa đường. Vì thế cũng rút ra được kết luận, để đạt được thành công ở bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ, thì sự kiên trì là yếu tố quyết định thành bại.
Có một câu chuyện mình rất thích, thỉnh thoảng mang ra đọc để nhắc nhở bản thân, giờ thì chia sẻ đến các bạn, thay cho lời kết.
Chúc bạn bền bĩ với nguyện ước ban sơ, luôn kiên trì trên con đường bản thân đã lựa chọn.
TÍNH KIÊN TRÌ
Thiếu nữ 14 tuổi giành giải vô địch Olympic để có tiền chữa bệnh cho mẹ cùng bài học: Nếu muốn thoát nghèo, cách duy nhất là kiên trì đến cùng!
Đội tuyển lặn Trung Quốc lại một lần nữa ghi bàn thắng vào lịch sử. Quan Hongchan, một thiếu nữ 14 tuổi, đã giành chức vô địch môn lặn 10 mét với tư cách là vận động viên trẻ nhất tại Thế vận hội Tokyo, đồng thời lập kỷ lục về số điểm cao nhất trong gần 4 kỳ Thế vận hội với 466,2 điểm.
Với tư thế trên không nhẹ nhàng và chuẩn xác, khi vào nước cô bé đã đạt trọn điểm bởi 3 động tác chuẩn xác. Cô bé vô danh 10 năm trước giờ đây được hàng vạn người biết đến chỉ sau 1 ngày.
Ít ai biết rằng, Quan Hongchan tham gia làm vận động viên chỉ vì để có tiền chữa bệnh cho mẹ.
Cô bé sinh ra tại một làng quê ở Trạm Giang, Quảng Đông, cha mẹ là nông dân, gia đình sống bằng nghề nông, hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn.
Khi được phỏng vấn, Hongchan đã chia sẻ: “Mẹ em bị tai nạn giao thông nên người hay đau ốm, năm ba hôm lại phải vào viện khám. Tiền thuốc men rất đắt. Chính vì vậy động lực để em cố gắng tập luyện không ngừng chính là để kiếm được nhiều tiền chữa bệnh cho mẹ”.
Phóng viên hỏi cô bé: “Vậy những kỳ nghỉ em làm gì?”.
Cô bé đáp: “Em ở nhà phụ giúp gia đình, vì nhà không có tiền nên em chưa từng đến công viên hay sở thú…”.
Huấn luyện viên cho biết, Hongchan là người tập luyện chăm chỉ nhất, mỗi ngày đều tập nhảy 300 đến 400 lần trên bờ và từ 100 đến 200 lần ở trên bục.
Đối với Hongchan, dù là thiên tài đi nữa, cũng không nên lơ là việc cố gắng đến cùng vì mục tiêu của mình. Cô bé cũng nói với phóng viên rằng:
“Đừng gọi em là thiên tài, vì những gì em đạt được đều thông qua nỗ lực không ngừng mới có được…”.
Huấn luyện viên của cô bé cũng khẳng định rằng: “Đừng dễ dàng dùng hai từ thiên tài để làm lơ mọi nỗ lực của người khác”.
Từ cách sống của Quan Hongchan, chúng ta có thể thấy cô bé là người cực kỳ nghiêm túc và chăm chỉ.
Be Gentle,
Love.