Bài viết dành cho những bạn trẻ cô đơn vào đời, mơ màng bước vào thị trường lao động và có ý định làm freelancer fulltime vì… nghe nhiều người nói làm vậy ngon ăn lắm.
Bạn đã nghe rất nhiều người cổ vũ, thậm chí cổ xuý cho việc nên trở thành freelancer toàn thời gian. Nhưng chắc các bạn trẻ quên nhìn lại background, nền tảng của những người đang cỗ vũ các bạn, nói ra rả vào tai bạn mỗi ngày “Hãy làm freelancer đi, sướng lắm, tự do lắm, nhiều tiền lắm” là ai. Tôi có thể chắc chắn với bạn rằng 99% trong số đó đều từng lăn lộn ở các doanh nghiệp, lớn có nhỏ có; đều kinh qua các vị trí chuyên môn lẫn quản lí, có thành tích tương đối, có quá khứ vẻ vang trước khi “rửa tay gác kiếm” để an tâm làm freelancer toàn thời gian.
Họ nói rất nhiều về ưu điểm của việc trở thành freelancer fulltime, ví dụ như:
- Thời gian linh hoạt
- Làm việc sáng tạo
- Có thể chủ động lựa chọn KH và đội nhóm làm việc cùng
- Không bị micro-management, hoặc bị kiểm soát bởi những Sếp không ra gì
- Thu nhập không giới hạn, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu
….
Tuy nhiên đó có phải là toàn bộ sự thật?! Nếu đứng ở góc độ vi mô của người lao động trẻ lẫn góc độ vĩ mô của nền kinh tế thì đều không ổn.
Tính chất công việc giúp tôi “đi đi lại lại” giữa môi trường Tập đoàn – Doanh nghiệp SMEs – Trường Đại học, Học viện. Tôi có cơ hội được nghe nhiều lời tâm sự khi các bạn sinh viên, bạn trẻ mới ra trường, hoặc muốn đổi ngành đến xin lời khuyên về tư vấn, hướng nghiệp trong ngành Marketing.
Có hôm một em gái nhỏ chia sẻ với tôi thế này: “Em học xong cấp 3 và quyết định làm freelancer toàn thời gian, sống cuộc sống như em muốn. Xong sau đó em thấy rất khó khăn vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Em quyết định quay lại học Cao Đẳng (thay vì học Đại học) để có thời gian làm freelancer được tốt hơn. Chị thấy em nên làm thế nào là tốt nhất ạ?”. Thật lòng là nghe em ấy nói xong tôi muốn té ngửa. Ai lại đi tiêm vào đầu một bạn trẻ 18, 19 tuổi cái suy nghĩ không đi học và làm freelancer để có tương lai như mình mong muốn. Điều này cũng tệ tương tự như có thời gian nhiều tờ báo mạng lên mấy bài kiểu như “Bỏ học, kiếm tiền trăm tỉ tậu xế sang”, “Không cần học đại học, cô gái kinh doanh thành công tháng kiếm trăm triệu”. Thế giới đang phổ cập giáo dục lên đến bậc Thạc sỹ, đây lại có một bộ phận người cổ xuý cho việc ít học đi. Thua!
Tôi có cơ hội đọc được bài phỏng vấn rất hay do Advertising Việt Nam thực hiện với Tiến sỹ Trần Văn Thông – giảng viên ĐH Nhân Văn, Tp.HCM. Có đoạn Thầy chia sẻ như sau khi được hỏi về: “Rất nhiều bạn trẻ rất yêu thích công việc freelancer, vậy tại sao Tiến sĩ lại cho rằng freelancer là một cái bẫy?”
“Khởi nghiệp có thể xé nát nguồn nhân lực trẻ ra. Tôi không phủ nhận khởi nghiệp là tốt nhưng phải có cơ sở vững vàng chứ không phải vì nghĩ ra một ý tưởng nào đó mà “quay xe" đi khởi nghiệp. Freelancer, với tôi mà nói cũng chính là một cái bẫy. Vì freelancer sẽ tách người trẻ ra khỏi hệ sinh thái nghề nghiệp. Người làm công việc freelancer giống như một cái cây lẻ loi bị tách ra khỏi môi trường, họ vẫn có thể hoạt động và tồn tại nhưng không phát triển theo chuyên môn, theo chiều sâu. Cái bẫy ở đây chính là freelancer cho phép người trẻ linh hoạt thời gian, vẫn có thu nhập và công việc, thế nhưng họ sẽ không có sự nghiệp đúng nghĩa. Tôi cho rằng Gen Z đang có những tiêu chí xã hội rất khác so với những thế hệ còn lại. Họ muốn xã hội đáp ứng những nhu cầu cá nhân như sức khỏe tinh thần, tự do sáng tạo, tự chủ thời gian,.... Và khi các doanh nghiệp không đáp ứng được thì một trong những điểm đến của họ chính là freelancer. Thế nhưng, nếu người trẻ chỉ có một vài kĩ năng, một vài năng lực nhỏ mà đã tách mình ra khỏi hệ sinh thái và cứ lơ lửng như vậy thì cũng chỉ tồn tại được trong một đoạn thời gian ngắn.” Những bạn trẻ vừa ra trường, hoặc mới ra trường chỉ 1 vài năm đã vội vã trở thành freelancer toàn thời gian thì quả thật rất phí."
Tôi nghĩ câu các em nên hỏi là “Em nên làm freelancer khi nào? Dựa trên những nền tảng gì?”. Bởi khi hỏi câu: “Em có nên làm freelancer fulltime hay không?”. Thì tôi không ngần ngại trả lời là: “Không nên”.
Vì sao vậy? Tôi xin liệt kê một vài lý do nổi bật liên quan đến cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội vươn tầm bản thân khi làm freelancer fulltime quá sớm
Khi làm trong Doanh nghiệp, các em sẽ có cơ hội gặp được những anh chị ở những vị trí cao, tầm nhìn lớn và phong thái làm việc đỉnh đạt từ nhiều phòng ban khác nhau. Các anh chị ấy phụ trách những vị trí khác nhau, kinh nghiệm tích luỹ, góc nhìn, quan điểm, phong cách làm việc đa dạng… Khi tiếp xúc với họ trong quá trình làm việc sẽ giúp các bạn có cái nhìn đa chiều, đứng ở nhiều góc độ để nhìn nhận một vấn đề. Không bị “Thầy bói mù xem voi”.
Nếu làm trong các Tập đoàn đa quốc gia, các bạn còn có cơ hội họp hành và làm việc cùng các thành viên ở các nước khác. Có những dịp được họp với những anh chị level cao từ Regional, Global sang… sẽ có lúc bạn cảm giác “sao mình ngu thế” nhưng lại rất sung sướng vì điều ấy. Bởi lúc đó bạn nhận ra mình sẽ học được nhiều thứ và nâng cấp bản thân mình lên cao.
“Thà làm cái đuôi con rồng còn có ngày được bay lên trời, hơn là làm cái đầu con tôm, cả đời cắm xuống đất”.
Bản thân tôi từ những năm sinh viên đều tâm niệm như vậy
Kiến thức, tài nguyên được “cho không”
Khi làm trong các tổ chức luôn có hoạt động đào tạo, đào tạo nội bộ hoặc thuê ngoài. Các doanh nghiệp càng lớn thì càng chú trọng phần này. Có những chương trình học về kỹ năng mềm, kỹ năng cứng, nghiệp vụ… rất hay mà chỉ có Doanh nghiệp mới đủ khả năng tài trợ cho nhân viên được hưởng quyền lợi đó.
Hay như có những chương trình đào tạo về code of conduct – chuẩn mực hành vi ứng xử, hầu hết mọi người cảm giác phải học như bị ép buộc, nhưng cá nhân tôi thấy rất cần. Học để giúp những người “chân lấm tay bùn” biết đường mà hội nhập với môi trường quốc tế.
Nhiều nhóm kỹ năng được rèn giũa
Làm công việc nào cũng vậy, kỹ năng chuyên môn/ kỹ năng cứng là một phần nhỏ trong tất cả những gì ta cần để phát triển nghề nghiệp. Môi trường doanh nghiệp sẽ là nơi tuyệt vời để bạn trau dồi, thực hành những bộ kỹ năng khác, ngoài chuyên môn. Có thể kể đến như làm việc nội bộ, làm việc liên phòng ban, làm việc với khách hàng, đối tác, nhà thầu; làm việc với các team ở các nước khác…
Nếu tách mình ra khỏi môi trường này, freelancer fulltime không có nhiều điều kiện để trải nghiệm, thử thách và rèn luyện những kỹ năng giúp bạn hoà nhập và phối hợp. Bắt đầu công việc tự do khi còn quá non trẻ, bạn chưa biết cuộc đời khắt nghiệt thế nào và cách ta đối phó với chúng ra sao. Có nhiều trường hợp khách hàng thấy bạn chưa có kinh nghiệm, dễ bắt nạt còn quỵt tiền, chèn ép và không thanh toán cho bạn nữa.
Cơ hội mở rộng nghề nghiệp về lâu dài
Không mấy ai trong chúng ta có thể chắc chắn con đường mình chọn năm 18, 22 tuổi là con đường mình sẽ đi cả đời. Có những giai đoạn bạn sẽ cực kì thích làm chuyên môn, nhưng có khi bạn muốn làm Tư vấn, Cố vấn, Đào tạo;
Ở vai trò người làm việc ở Client side tại các Tập đoàn, tức là bên thường mời/ thuê mướn các bên cung cấp dịch vụ… chúng tôi thường review rất kĩ background, credential/ Hồ sơ năng lực của các bên cung cấp dịch vụ.
Client có kí hợp đồng với Freelancer không? Có chứ, nhưng chỉ dừng lại ở các hạng mục nhỏ, rời rạc, ví dụ như vài bài PR, vài file thiết kế, ai làm tốt lắm thì một dự án tầm 3 tháng…Rồi thôi. Chúng tôi không bao giờ giao những dự án lớn cho một cá nhân hay team freelancer nào cả. Vì liên quan đến thủ tục xét duyệt năng lực nhà cung cấp, tư cách pháp nhân, khả năng về vốn, bồi thường thiệt hại (nếu phát sinh).
Hay như các bộ phận Đào tạo, Nhân sự trong công ty cũng thường ký với các Học viện để cung cấp dịch vụ Training. Nếu có mời cá nhân là Chuyên gia, thì cũng là những anh chị với thành tích cộm cán sau nhiều năm làm nghề, được chứng thực qua các công ty, tổ chức anh chị ấy từng làm.
Thế thì việc làm freelancer fulltime từ những ngày đầu ra trường không có một ai dùng giấy trắng mực đen chứng thực cho bạn, để sau này bạn đủ khả năng cung cấp những dịch vụ cao cấp hơn giúp nâng vị thế mình lên cả.
Cơ hội học lên cao
Một trong những tiêu chí xin học bổng khi đi học Master chính là có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức liên quan đến chuyên ngành bạn đang muốn học.
Thậm chí có nhiều quốc gia khi xét VISA cấp cho du học sinh, họ không tin những giấy tờ nhà đất khi bạn nộp trong bộ hồ sơ. Họ chỉ tin giấy tờ đóng dấu Bảo hiểm Xã hội thể hiện quá trình tích luỹ của bạn mà thôi. Mà giấy đóng Bảo hiểm Xã hội từ đâu mà có? Từ chính những công ty bạn làm việc, họ có nghĩa vụ đóng để bảo vệ quyền lợi của người lao động là bạn.
Hay đến giai đoạn mở công ty, thành lập Doanh nghiệp
Tôi nghĩ nhé, đâu ai làm freelancer fulltime cả đời, rồi sẽ đến lúc bạn muốn vươn mình lên hoặc đơn giản vì Doanh nghiệp thuê mướn dịch vụ từ bạn cần bạn xuất hoá đơn thì mới có thể chi những khoản Hợp đồng lớn.
Thế thì, chỉ với kinh nghiệm chuyên môn không thể nào đủ để bạn có thể duy trì hay phát triển một công ty cả.
Khi đã từng làm những Doanh nghiệp đầy đủ phòng ban chức năng, phân chia nhiệm vụ công việc cho các vị trí, có quy trình làm việc phối hợp, có hệ thống vận hành… bạn sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn để chuẩn bị cho tương lai nếu bạn muốn phát triển lên làm chủ doanh nghiệp.
Tôi đã từng gặp những người chủ Doanh nghiệp với tiềm lực kinh tế từ gia đình rất lớn, cứ tốt nghiệp ra trường là cầm cọc tiền mở công ty nhưng thua lỗ triền miên. Bởi họ chưa từng đi làm ở đâu cả, không có chuyên môn cụ thể, cũng chưa từng làm tốt vị trí quản lý, chưa từng va chạm trong môi trường Doanh nghiệp. Thì lấy đâu ra kinh nghiệm mà điều hành công ty.
Phóng lao thì phải theo lao, họ được gia đình bơm tiền nên cứ đốt tiền như công tử Bạc Liêu nấu trứng vậy. Bạn nghĩ trong chúng ta có được mấy người có tiền để đốt?! Mà thật ra cũng chỉ nên tự đốt tiền mình, lớn rồi ai lại xài tiền cha mẹ nhỉ 😉
Những vấn đề khác ngoài con đường sự nghiệp, việc đi làm ở các tổ chức, có hợp đồng lao động cũng giúp các bạn thuận lợi hơn khi:
- Bạn muốn vay mua nhà, mua xe không có hợp đồng lao động thì thôi đành quên đi
- Bạn muốn xin VISA đi các nước châu Âu, HongKong… hợp đồng sẽ giúp bảo chứng cho việc “bạn đi rồi sẽ quay về”
- Bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, thai sản… càng cần thiết với người lao động, đặc biệt là với nữ giới.
Còn mục rất quan trọng nữa là thu nhập, vì thu nhập là yếu tố “confidential”, không ai công khai thu nhập thật sự từ công việc của mình cho người khác xem cả. Chính vì thế nên tôi không nói nhiều về phần này để tránh phiến diện. Tuy nhiên tôi đã từng nghe một số người em kể là thu nhập thật sự từ công việc freelancer toàn thời gian không đủ để em ấy duy trì cuộc sống như mong muốn, muốn dư dả thì làm luôn cả những việc “không minh bạch, không thể công khai”.
Làm thế nào mới tốt cho sự nghiệp lâu dài?
Lý tưởng nhất, và cũng là toàn vẹn nhất cho các bạn về nhiều mặt thì tôi xin đưa ra gợi ý như sau:
Bạn có công việc chuyên môn tại một tổ chức chuyên nghiệp
Điều này giúp bạn có thể giữ bản thân ở trạng thái cập nhật liên tục; tăng mức độ uy tín cho profile cá nhân; có thu nhập và các khoản bảo hiểm.
Song song đó tích luỹ thêm nghiệp vụ chuyên môn, những bộ kỹ năng khác từ việc làm freelancer.
Khi này vừa có thể tăng thêm thu nhập, vừa khai thác mối quan hệ giữa hai nhóm công việc qua về cho nhau.
Có một sự thật là nếu bạn làm Doanh nghiệp một thời gian đủ dài, bạn chuyển dần sang làm freelancer fulltime thì rất tốt, chẳng ai làm khó gì bạn cả.
Nhưng nếu ngược lại, tỉ lệ thành công không quá 1%, nhất là khi thời gian làm freelancer fulltime của bạn càng dài, thì cơ hội càng gần về 0.
Thế thì, có lúc nào nên trở thành freelancer fulltime không?
Có chứ, đó là khi bạn “đủ lông đủ cánh”, mạnh cả tiếng lẫn tiền, thì lúc đó dù làm việc tự do nhưng cái thế của bạn khác lắm. Và quan trọng là, hãy trở thành freelancer fulltime khi và chỉ khi bạn sẵn sàng, về mọi mặt. Đừng vì chị A bảo thế, anh B khuyến khích thế. Họ không sống thay bạn, không chịu trách nhiệm cho sự nghiệp của bạn nếu chẳng may nó dang dở.
“Luôn cẩn trọng với mọi lời khuyên – ngay cả những lời này”
– Carl Sandburg –
Mình hay nói với các bạn trẻ là “Nghe ai khuyên thì nghe ít thôi, phải tỉnh táo nhìn nhận từ nhiều góc độ, đừng tin hoàn toàn, vì thiệt thòi là bạn nhận lấy.”
Be Gentle,
Love.