Bài viết chia sẻ về quá trình trưởng thành trong suy nghĩ, những đổi thay, cải thiện để hoàn chỉnh bản thân và như mục tiêu của chiếc blog, chính là để trở nên ưu tú hơn mỗi ngày. Nếu bạn thường tự vấn về sự thành công của bản thân, Thì tôi xin nói: “Đã đến lúc cần có một khái niệm về sự thành công cho riêng mình. Tôi sẽ đồng hành cùng bạn!”.
Độ tuổi thành công quan trọng đến thế sao?
Bạn mến, năm nay bạn bao tuổi?
Hồi tưởng lại những mốc thời gian của quá trình trưởng thành, hẳn không ít lần chúng ta hoang mang, vô định.
18 tuổi, nếu là dân tỉnh lên thành phố trọ học sẽ ít nhiều đối mặt với bao đổi thay, nhiều khía cạnh cần thích nghi, biết bao nhiêu áp lực học hành, thi cử, làm thêm, tiền nong.
25 tuổi, áp lực tài chính, hỗ trợ gia đình, hướng đi và nghề nghiệp, liệu đã đúng chưa? Có rơi vào trường hợp học một nghề, làm một nghề mà thực tâm lại thích một nghề khác không? Có thấy bế tắc với những thử thách liên tục ập trên con đường chạm đến mốc trưởng thành không?
30 tuổi, áp lực của sự ổn định, yên bề gia thất, và thậm chí áp lực thành công và có cuộc sống sung túc.
Tôi còn nhớ thời sinh viên lăn lộn đầy bụi bặm của mình, cũng làm thêm khắp nơi, cứ kiếm được đồng nào, nghe ở đâu có ai dạy kiến thức, kĩ năng gì hay là chạy tới học ngay. Có lần cũng đến tham gia buổi dạy kiểu như workshop miễn phí bây giờ. Thầy giáo của Đại học Kinh tế chia sẻ về những tiền đề, hoạch định để thành công. Thầy bảo độ tuổi thành công càng ngày càng sớm, ở Việt Nam thì trung bình là 29 – 30 tuổi. Thầy cũng hướng dẫn chúng tôi viết xuống, rõ ràng, chi tiết từng cột mốc 3 năm – 5 năm – 10 năm bạn muốn đạt được gì. Ví dụ cấu trúc kiểu:
Năm 25 tuổi – 30 tuổi – 40 tuổi, tôi có:
- Sự nghiệp:…
- Nền tảng học tập:…
- Tài chính:…
- Tài sản:…
- Ước mơ cho bản thân:…
- Ước mơ cho gia đình:…
Tôi cũng viết hết một trang A4, rõ ràng, chi tiết, hừng hực khí thế và đầy mộng tưởng. Với một đứa hiếu thắng, tôi để mốc thành công của mình là 28 tuổi (phải sớm hơn người khác tôi mới chịu).
Thời gian trôi qua, bản kế hoạch/ ước mơ đó vẫn là niềm cảm hứng, là động lực để tôi nhìn vào phấn đấu. Tấm bản ấy cũng giúp tôi chạm gần hơn với cơ hội công việc đầu tiên ở Tập đoàn Tài chính lớn, dù chưa tốt nghiệp. Thầy dạy các bộ môn PR của tôi cũng đồng thời là Head of Marketing ở công ty ấy nói rằng: “Không phải ai ở độ tuổi của em, thậm chí lớn hơn nữa, có bảng kế hoạch cụ thể như thế cho riêng mình“. Giờ nghĩ lại chắc lúc ấy Thầy đã nghĩ: “con bé này hư cấu quá”, vì tôi toàn viết đạt mốc tiền tỷ trong bản kế hoạch 😉. Nhưng có sao đâu nhỉ, quan trọng là người ta nhìn thấy mình có mong muốn, có quyết tâm và có kế hoạch rõ ràng.
Quay trở lại cột mốc thành công tôi đã viết, 28 tuổi.
Từ năm 18 tuổi viết bản ước mơ đó, tôi đã luôn chăm chỉ với niềm tin lớn lao về sự thành công. Tất nhiên là nỗ lực theo cách của một em sinh viên dưới quê lên Sài Gòn trọ học. Không có anh chị, không người đi trước, không người hướng dẫn, không nền tảng, không định hướng… tất cả đều rất cảm tính, đều rất bản năng.
Trong suốt thời gian đó, tôi đọc được rất nhiều những câu nói về sự thành công, tôi nhớ có một câu làm lòng tôi cứ xốn xang, kích động và đôi khi thấy khủng hoảng: “Thành công đến càng sớm thì càng khiến người ta hân hoan, sự thành công càng thêm lấp lánh“. Vì càng ngày, tôi càng gần với cột mốc 28 tuổi.
Mỗi lần đọc tạp chí Forbes công bố danh sách 30under30 tôi lại thấy lòng đầy khao khát, cũng mặc định xem việc có tên trong danh sách như tiêu chuẩn thành công của người trẻ.
Nhưng rõ là tôi không thành công theo cách hiểu đó, vì: năm 28 tuổi, tôi gác lại sự nghiệp để lên đường sang Ý du học bậc Thạc sỹ cùng với hôn phu của mình, khi đó chúng tôi đã làm lễ ăn hỏi.
Định nghĩa lại về khái niệm của sự thành công
Nghĩ lại tôi vẫn thấy may mắn vì tôi “ngộ” ra kịp lúc, biết khái niệm lại cho sự thành công cho chính mình. Tôi đã giảm bớt việc tự chỉ trích, tự dằn vặt bản thân rằng “Tại sao tôi chưa thành công?!“. Lúc trước, tôi định hình thành công ở độ tuổi 28 là: Leo lên nấc thang Trưởng phòng (Manager), là mua được chung cư ở thành phố đưa Mẹ lên sống cùng, là thu nhập bao nhiêu ngàn $ một tháng.
Nhưng rõ là 28 tuổi, tôi (chúng tôi) bỏ lại hết ở Việt Nam, trong người chỉ có vài ngàn Euro để sang Ý du học, chẳng có nhà, chẳng có xe, chỉ có hai cái bụng đầy chữ. Vì sao vậy?
- Vì lúc đó tôi đã hiểu, việc cấp thiết trước mắt chính là phải thực hiện được ước mơ từ bé của mình: có trải nghiệm du học nước ngoài. Học là việc cả đời nhưng không phải độ tuổi nào cũng có thể đi du học và được cấp học bổng. Tôi lại không muốn bỏ qua ước mơ, tôi không muốn hối hận về sau. Lúc đó, tôi đã học được bài học về mức độ ưu tiên.
- Vì lúc đó tôi đã hiểu mỗi người đều có time zone riêng cho mình. Có người đi trước chúng ta, cũng có người đi sau chúng ta. Quan trọng là ai cũng đang nỗ lực cho khung thời gian riêng của chính mình. Ví như tử vi của tuổi Tân Mùi những người sinh năm 1991 như tôi, đại đa số sẽ bươn chải vất vả mãi từ năm 18 đến năm 28 tuổi. Chúng tôi được ví như những chú tuấn mã có bộ vuốt chắc khoẻ không ngại phi nước đại, nhưng nghiệt ngã thay ông trời lại trải đầy đinh nhọn trên suốt chặng đường chúng tôi đi. Thế thì nếu may mắn lắm năm 28 tuổi chúng tôi mới hồi sức, dần đi vào ổn định. Ở trong tình cảnh ấy liệu thốt ra hai từ “thành công” có còn thực tế?!
- Vì tôi đã biết công bằng hơn với bản thân mình. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào trạng thái nhìn thành công của người khác và quay lại trách móc chính mình. Nhưng rõ là chúng ta không biết được xuất phát điểm của họ và ta có cùng mức hay không? Nền tảng, sự hỗ trợ, sự chuẩn bị, mức độ gia đình đầu tư đến đâu. Ta thường lấy trailer của đời người khác so với behind the senses của đời mình. So sánh không xấu, nhìn thành tựu của người khác để đẩy bản thân nỗ lực tiến lên là điều đáng hoan nghênh. Nhưng tuyệt đối đừng chê bai hay ghét bỏ bản thân mình chỉ vì nhìn thấy người khác thành công.
- Vì tôi có được định nghĩa lại về khái niệm thành công cho chính mình.
Bài viết về sự thành công nhưng lại chia sẻ về cuốn sách Hành trình về phương Đông thì nghe có vẻ không liên quan. Nhưng thật sự đây là cuốn sách thay đổi nhân sinh quan, đánh một đòn mạnh vào tâm lý của tôi. Cơ duyên tôi đọc được cuốn sách vào giai đoạn chông chênh nhất của mình tính đến lúc này, năm tôi sắp 28 tuổi. Thời điểm đó tôi đã tự vấn bản thân hàng trăm lần rằng “Mình có nên đi du học hay không? Có nên vẫn ở đây cày thật chăm chỉ để nhanh thăng tiến và kiếm tiền mua nhà không? Mình đi rồi thì Mẹ mình thế nào?” vân vân và mây mây… Nhưng kì ngộ thay, càng đọc cuốn sách này, tâm trí tôi càng sáng tỏ, tầm nhìn tôi càng rộng mở, mọi khúc mắc trong lòng cứ nhờ thế mà dần được gỡ bỏ.
Lúc này định nghĩa thành công của tôi không còn gói gọn trong chỉ tiền, chỉ nhà và xe như chuẩn mực chung của xã hội nữa. Mà thành công của tôi nằm ở 8 lĩnh vực trong Bánh xe cuộc đời, bánh xe của tôi càng tròn đầy cân đối bao nhiêu, tôi càng thành công bấy nhiêu:
Sức khoẻ: sức khoẻ thể chất và tinh thần của tôi hoàn toàn tốt, đủ để học, làm, phát triển và tích cực.
Phát triển bản thân: hẳn nhiên rồi, tôi học tập trau dồi mỗi ngày, tôi đi du học cũng bằng học bổng 100% và được tài trợ sinh hoạt phí.
Mối quan hệ: Tôi có gia đình đầy tình yêu thương, có bạn bè xung quanh và những mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp.
Tài chính: Tôi có công việc chính và công việc tạo ra khoản thu nhập thứ hai, và vẫn đang liên tục chuẩn bị cho các công việc tạo ra thêm nhiều dòng thu nhập thụ động khác trong tương lai gần. Tôi cũng có bảo hiểm đủ các loại, có khoản tích luỹ và khoản đầu tư.
Sự nghiệp: Có công việc fulltime đúng chuyên môn, công việc giảng dạy và việc viết trong vai trò Chuyên gia.
Giải trí: Tôi vui với việc đọc sách, học ngôn ngữ, phân tích phim, những sở thích bổ ích và là tiền đề tốt, tạo ra thu nhập trong tương lai.
Chia sẻ/ Cộng đồng: Tôi tích cực tham gia những dự án thiện nguyện cho cộng đồng, dự án chia sẻ/ hướng dẫn sinh viên là cách tôi chọn để đóng góp giá trị, trao đi vô vụ lợi.
Tâm linh: tôi thấy mình may mắn khi có chỉ số SQ – Chỉ số thông minh tâm hồn cao nhất trong 8 chỉ số thông minh của mình. Rõ là nhờ vào năng lực này nhạy bén, tôi sẽ tối thiểu việc sai và sửa, và thậm chí phải trả giá cho việc làm sai.
1 comment
[…] Viết kết nối […]